Trật Khớp Thái Dương Hàm Là Do Đâu? Giải Pháp Xử Lý
Trật khớp thái dương hàm có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này đặc trưng bởi sự mất cân bằng giữa xương hàm và xương thái dương của hộp sọ. Nếu không được kiểm soát sớm, trật khớp thái dương hàm sẽ ảnh hưởng đến ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, gây biến dạng khớp,…
Trật khớp thái dương hàm là gì?
Khớp thái dương hàm (Temporomandibular Joint-TMJ) là khớp động duy nhất của phần sọ mặt. Khớp bao gồm xương hàm dưới và diện của khớp thái dương cùng các bộ phận khác như dây chằng khớp, bao khớp, đĩa khớp, mô sau đĩa. Trật khớp thái dương hàm (sái quai hàm) xảy ra khi xương hàm và xương thái dương của hộp sọ bị mất cân bằng.
Trật khớp thái dương có thể xảy ra ở mọi đối tượng với độ tuổi khác nhau. Tình trạng này mặc dù không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng lại gây ra cơn đau nhức, khó chịu trong quá trình ăn uống, há, khép miệng và gây biến dạng khớp.
Nguyên nhân phổ biến gây sái quai hàm là do khớp thái dương hàm bị viêm nhiễm trong thời gian dài, tái đi tái lại thường xuyên. Tình trạng này được chia thành nhiều dạng như trật ra trước, trật ra sau, trật sang bên và trật lên trên,… Việc mất cân bằng xương hàm và xương thái dương của hộp sọ chủ yếu là do lồi cầu bị kẹt ở vị trí nào đó hoặc di chuyển quá mức.
Trật khớp thái dương hàm do đâu?
Thực tế nhận thấy, trật khớp thái dương hàm có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau. Theo đó, tình trạng này thường là hệ quả của chấn thương, há miệng rộng đột ngột, mắc các bệnh về xương khớp, căng thẳng quá mức, một số vấn đề nha khoa,…
Dưới đây là một số nguyên nhân và yếu tố khiến khớp thái dương hàm trật:
- Trật khớp thái dương hàm thường là hệ quả của viêm khớp thái dương hàm kéo dài hoặc một số bệnh lý nhiễm khuẩn, thoái hóa khớp, viêm khớp,…
- Căng thẳng thần kinh quá mức, stress
- Chấn thương, há miệng rộng đột ngột có thể làm lệch khớp hàm và gây sái quai hàm
- Thói quen nghiến răng khi ngủ, cơ hàm mỏi,… có thể làm tăng nguy cơ bị sái quai hàm, rối loạn, thậm chí là viêm ở khớp này.
- Răng mọc lệch, chen chúc gây sai khớp cắn là một trong những nguyên nhân gây trật khớp thái dương hàm.
- Ngoài các nguyên nhân trên, sái quai hàm cũng có thể xảy ra do biến dạng khớp bẩm sinh xương hàm mặt. Thông thường, tình trạng xuất hiện ở nữ giới trong độ tuổi trung niên.
Tham khảo thêm: Bị Đau Quai Hàm Gần Tai Dấu Hiệu Bệnh Gì? Điều Trị Sao?
Dấu hiệu nhận biết
Các biểu hiện trật khớp thái dương hàm được thể hiện thông qua khớp, cơ và ngoài khuôn mặt. Tùy thuộc vào nguyên nhân khởi phát, triệu chứng của tình trạng này có một số khác biệt nhất định.
Dưới đây là một số biểu hiện giúp nhận biết tình trạng sái quai hàm:
- Biểu hiện tại khớp: Đau nhức khi há miệng, nhai, nghiền thức ăn. Khi nhai có thể nghe tiếng lục cục, ken két. Trong một số trường hợp không thể hoặc gặp khó khăn trong việc há miệng.
- Biểu hiện tại cơ: Việc mất cân bằng giữa xương hàm và xương thái dương của hộp sọ khiến cơ quan này bị đau nhức nặng nề hơn. Theo đó, khi nói chuyện, ăn uống thì cơn đau sẽ tăng lên. Trong nhiều trường hợp, người bệnh bị đau cổ, đau đầu, sưng mặt.
- Biểu hiện ở khuôn mặt: Nếu trật khớp thái dương hàm không được kiểm soát có thể gây ra các biểu hiện ở khuôn mặt. Theo đó, hàm bị lệch sang 1 bên, má hóp, miệng há nhỏ hơn so với bình thường (trật khớp 1 bên). Và tình trạng cằm bị đưa về phía trước, miệng khá to hơn, 2 bên má hóp lại (trật khớp 2 bên). Dù trật 1 hay 2 bên khớp đều gây ra các biểu hiện chung như chảy nhiều nước bọt, mỏi khớp, đau nhức dữ dội.
Trật khớp thái dương hàm nguy hiểm không?
Hoạt động ăn uống, nói chuyện hàng ngày đều tác động đến khớp thái dương hàm. Do đó, khi khớp thái dương hàm bị trật sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động này cũng như chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, tình trạng này nếu không được điều trị sớm còn gây ra nhiều biến chứng nặng nề.
Do đó, ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường ở khớp thái dương hàm hoặc nghi ngờ bị trật khớp thái dương hàm. Người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán để xác định nguyên nhân và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
Điều trị trật khớp thái dương hàm bằng cách nào?
Việc thăm khám và điều trị sái quai hàm sớm sẽ giúp phục hồi chức năng khớp nhanh chóng, cải thiện hoạt động ăn uống, giao tiếp hàng ngày. Đồng thời hạn chế tổn thương ở cơ quan này tiến triển nặng và gây viêm.
Sau khi có kết quả chẩn đoán, tùy thuộc vào nguyên nhân khởi phát và dạng trật khớp, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp thường được chỉ định trong chữa sái quai hàm:
1. Điều trị không can thiệp
Điều trị không can thiệp đối với trật khớp thái dương hàm chủ yếu là sử dụng thuốc và thực hiện một số liệu pháp trị liệu để kiểm soát tình trạng. Phương pháp điều trị này phù hợp với những trường hợp sái quai hàm do chấn thương hoặc nhổ răng khôn.
Một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị tình trạng này thường là thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, diclofenac, mobic. Ngoài ra, tùy thuốc vào mức độ triệu chứng, bác sĩ có thể dùng thêm thuốc giãn cơ và thuốc kháng viêm để kiểm soát.
Bên cạnh sử dụng thuốc điều trị, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh một số liệu pháp trị liệu để khắc phục tình trạng trật khớp như:
- Chiếu tia hồng ngoại
- Xoa nắn khớp
- Đeo máng nhai
- Chườm nóng
- Một số bài tập vận động hàm dưới
Trường hợp đáp ứng tốt các biện pháp điều trị trên, tình trạng trật khớp thái dương hàm sẽ được kiểm soát sau 3 – 5 ngày.
2. Nắn chỉnh khớp thái dương hàm
Đa số các trường hợp bị trật khớp thái dương hàm đều phải can thiệp nắn khớp để khắc phục tình trạng. Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành nắn chính khớp bằng tay để giúp khớp trở về vị trí ban đầu. Mặc dù không quá phức tạp nhưng nhiều bệnh nhân mang tâm lý lo lắng khiến cơ co cứng nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Để tránh phát sinh rủi ro và tác dụng không mong muốn trong quá trình thực hiện, bác sĩ có thể tiến hành gây mê cho bệnh nhân để thực hiện nắn chỉnh khớp thái dương hàm.
Quy trình thực hiện nắn khớp như sau:
- Đầu tiên, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc giãn cơ có tác dụng nhẹ hoặc thuốc giảm đau trước khi tiến hành nắn cơ
- Sau đó hướng dẫn bệnh nhân ngồi đúng tư thế, lưng và đầu tự vào ghế, mặt hướng thẳng về phía phía trước
- Sau khi đặt 2 miếng gạc vào trong mặt nhai ở hàm dưới thì bác sĩ dùng ngón cái ấn lên miếng gạc. Đồng thời giữ các ngón tay còn lại chặt ở góc hàm bên ngoài. Kế đến ấn góc hàm dưới với lực vừa đủ và đẩy về phía sau. Trường hợp chỉ bị trật 1 bên khớp thì chỉ thực hiện 1 nắn 1 bên hàm. Khi bệnh nhân ngậm miệng lại như bình thường thì có nghĩa khớp đã trở về đúng vị trí ban đâu.
Sau khi nắn chỉnh khớp thành công, bác sĩ sẽ sử dụng băng để băng chun cằm đầu trong vòng 2 tuần. Điều này giúp tránh hạn chế áp lực, tác động quá mức lên khớp thái dương hàm. Ngoài ra, trong thời gian này bạn cần ưu tiên các món ăn mềm, lỏng, hạn chế hoạt động cơ hàm quá mức.
3. Can thiệp phẫu thuật
Trường hợp trật khớp thái dương hàm không đáp ứng các biện pháp điều trị bảo tồn, tái phát thường xuyên và gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc can thiệp phẫu thuật để kiểm soát tình trạng, đồng thời ngăn ngừa viêm nhiễm cũng như các biến chứng nặng nề.
- Phẫu thuật làm ngắn dây chằng quanh khớp thái dương hàm để giúp cố định khớp, hạn chế tình trạng lệch khớp
- Cắt mỏm khớp là một trong những phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định trong điều trị sái quai hàm. Theo đó, phương pháp này giúp hạ thấp mỏm khớp, giúp khớp được cân đối, hỗ trợ quá trình ăn uống, giao tiếp diễn ra thuận lợi.
Chăm sóc và phòng ngừa trật khớp thái dương hàm
Trật khớp thái dương hàm là tình trạng thường gặp bên cạnh rối loạn khớp thái dương hàm và viêm khớp thái dương hàm. Tình trạng này có thể kiểm soát tốt nếu được thăm khám sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, sái quai hàm có thể tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi.
Do đó, bạn cần chủ động trong việc thực các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa tình trạng này tái phát. Cụ thể:
- Trước khi chức năng khớp thái dương hàm phục hồi hoàn toàn, người bệnh nên dùng các món ăn lỏng, mềm, dễ nhai để làm giảm áp lực lên cơ quan này. Từ đó giúp rút ngắn thời gian phục hồi cũng như hạn chế cơn đau nhức khó chịu bùng phát.
- Đối với trường hợp có thói quen nghiến răng khi ngủ nên cân nhắc sử dụng máng ngậm. Bên cạnh đó, thay đổi một số thói quen ảnh hưởng xấu đến khớp thái dương hàm như cắn, xé vật cứng, cười lớn, há miệng đột ngột,…
- Cân chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh căng thẳng quá mức, áp lực công việc. Bởi những yếu tố này kéo dài có thể khiến tình trạng trật khớp thái dương hàm tái phát.
- Đối với trường hợp bị trật khớp thái dương hàm mãn tính, tái phát thường xuyên. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn một số bài tập, massage khớp thái dương để hạn chế tình trạng tái phát, ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của cơ quan này.
- Để phòng ngừa các vấn đề về khớp thái dương hàm nói chung và trật khớp thái dương hàm nói chung, bạn cần chủ động xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Thực tế nhận thấy, người có thể trạng tốt thường ít gặp các vấn đề sức khỏe.
Trật khớp thái dương hàm thường không thể tự khỏi mà cần can thiệp điều trị. Tình trạng này nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng ăn uống, giao tiếp và các vấn đề khác. Do đó, ngay khi nhận thấy biểu hiện bất thường, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
- 5 Loại Thuốc Trị Viêm Khớp Thái Dương Hàm Rất Được Tin Dùng
- Viêm khớp thái dương hàm nên ăn gì và kiêng gì để tốt hơn?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!