Mụn rộp môi là gì? Cách nhận biết và điều trị Herpes môi
Mụn rộp môi hay còn gọi là Herpes môi được gây ra bởi virus Herpes simplex. Virus này xâm nhập vào cơ thể thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch, màng nhầy hoặc da gây ra mụn nước đau đớn trên môi và vùng da xung quanh miệng.
Mụn rộp môi là gì?
Mụn rộp ở môi là một bệnh nhiễm trùng ở môi được gây ra bởi virus Herpes Simplex. Virus gây ra các vết loét trên môi và xung quanh miệng. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây ra các triệu chứng như sốt và đau cơ.
Mụn rộp ở môi có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người bất kể giới tính và độ tuổi. Tuy nhiên, đối với trẻ em dưới 2 tuổi và trẻ sơ sinh dưới 8 tuần tuổi, mụn rộp có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng. Do đó, nhận biết các dấu hiệu Herpes môi để có cách điều trị và khắc phục kịp lúc là cách tốt nhất để tránh khỏi các rủi ro.
Dấu hiệu nhận biết Herpes môi
Sau khi nhiễm virus Herpes, thông thường người bệnh sẽ trải qua các triệu chứng cơ bản như:
1. Thời gian ủ bệnh
Đối với mụn rộp ở môi, thời gian ủ bệnh là 2 -12 ngày. Hầu hết các trường hợp người bệnh mất trung bình khoảng 4 ngày để xuất hiện các triệu chứng. Trong giai đoạn ủ bệnh, hầu như người bệnh không có bất cứ triệu chứng hoặc dấu hiệu đặc biệt nào. Tuy nhiên, một số người có thể bị sốt nhẹ và cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy ở môi.
2. Thời gian mắc bệnh
Các dấu hiệu và triệu chứng mụn rộp ở môi có thể kéo dài trong khoảng 2 – 3 tuần. Triệu chứng cơ bản nhất của mụn rộp ở môi là đau, rát hoặc ngứa xảy ra tại vị trí nhiễm trùng trước khi vết loét xuất hiện.
Sau đó hình thành các vết mụn rộp có chứa chất lỏng. Những mụn nước này sẽ vỡ một cách nhanh chóng và gây ra các vết loét nhỏ, nông, màu xám hoặc đỏ nhạt trên da. Sau vài ngày các vết loét sẽ đóng vảy, khô và có màu vàng.
Một số triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Loét miệng dẫn đến cơn đau dữ dội đặc biệt là khi ăn uống hoặc nói chuyện.
- Xuất hiện vết loét ở môi và xung quanh miệng tương tự như tình trạng mụn rộp sinh dục ở miệng. Đôi khi mụn rộp có thể kéo dài đến cằm và cổ.
- Nướu có thể bị sưng nhẹ, đỏ, hơi đau và có thể chảy máu.
- Sưng và đau các hạch bạch huyết ở cổ.
- Chảy nước dãi ở trẻ nhỏ
Nguyên nhân gây mụn rộp miệng
Mụn rộp môi được gây ra bởi virus Herpes simplex. Đây là một loại virus DNA có thể gây ra các vết loét ở môi và xung quanh miệng của người bệnh. Các nhiều loại virus Herpes simplex, tuy nhiên virus Herpes simplex, type 1 chiếm đến 80% các trường hợp gây ra mụn rộp ở môi. Virus Herpes simplex, type 2 cũng có thể dẫn đến mụn rộp ở môi, tuy nhiên trường hợp này thường không phổ biến.
Ngoài ra, căng thẳng, stress, ở ngoài nắng quá lâu cũng có thể làm tăng nguy cơ bị mụn rộp ở môi. Một số loại thuốc có thể làm giảm khả năng chống nhiễm trùng và dẫn đến các vết mụn rộp trên cơ thể, bao gồm cả môi.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Mụn rộp ở môi có thể trở nên đau đớn và khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc ăn uống. Do đó, hãy đến bệnh viện ngay nếu như một người không thể ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần đến bệnh viện ngay lập tức khi nhận thấy bất cứ triệu chứng nào sau đây:
- Dấu hiệu mất nước như đi tiểu ít hoặc khó tiểu, thường xuyên buồn ngủ, khô miệng, dễ nổi giận.
- Xuất hiện mủ hoặc máu bên trong vết loét. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng vi khuẩn.
- Sốt trên 39 độ C.
- Đau đầu hoặc nôn mửa.
- Da ở miệng ở xung quanh miệng bị ngứa, sưng hoặc nổi mề đay.
- Người bệnh là trẻ em dưới 8 tuần tuổi cần cần điều trị y tế ngay lập tức. Nhiễm trùng nghiêm trọng có thể dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng đến não bộ của trẻ.
- Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu cũng nên đến bệnh viện nếu bị mụn rộp ở môi. Đối tượng thường có khả năng nhiễm trùng nặng cao và khó hồi phục.
Chẩn đoán mụn rộp ở môi
Bác sĩ có thể dựa trên các thông tin về triệu chứng và thể chất của người bệnh để chẩn đoán tình trạng mụn rộp môi. Nếu nghi ngờ các nhiễm trùng khác có liên quan, bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành một số xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Các xét nghiệm phổ biến thường bao gồm:
- Lấy một mẫu mô từ các vết loét để xác định virus.
- Nghiên cứu kháng nguyên và kháng thể
- Xét nghiệm máu
Cách trị mụn rộp môi
Hiện tại không có cách trị mụn rộp môi một cách dứt điểm cũng như không thể loại bỏ virus Herpes Simplex một cách hoàn toàn và bệnh có thể tái phát trong tương lai. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp mụn rộp ở môi thường không nghiêm trọng và có thể được cải thiện bằng một số loại thuốc đặc trị.
1. Điều trị y tế
Để điều trị mụn rộp ở môi, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như:
- Sử dụng Acetaminophen, Ibuprofen khi bị sốt và đau cơ.
- Thuốc gây tê tại chỗ như lidocain, Dilocaine, Nervocaine có thể được chỉ định để giảm đau.
- Thuốc kháng virus đường uống thường không được chỉ định để điều trị mụn rộp môi. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định thuốc cho những người có hệ thống miễn dịch yếu, trẻ nhỏ dưới 6 tuần tuổi hoặc những người nhiễm virus nghiêm trọng.
Mặc dù mụn rộp ở môi thường không quá nghiêm trọng, tuy nhiên một số đối tượng có thể được yêu cầu nhập viện theo dõi. Các đối tượng này thường bao gồm:
- Nhiễm trùng cực kỳ nghiêm trọng
- Mụn rộp đã lây lan sang các bộ phận khác
- Bệnh nhân có dấu hiệu mất nước
- Trẻ sơ sinh dưới 6 tuần tuổi
2. Chăm sóc tại nhà
Các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể hỗ trợ điều trị các triệu chứng mụn rộp ở môi bao gồm:
- Không chạm vào các vết loét. Không cạy lấy vảy hoặc làm vỡ các vết mụn rộp.
- Rửa tay thường xuyên đặc biệt là sau khi vô tình chạm vào vết mụn rộp.
- Người bệnh có thể chườm một viên đá đã được bọc trong vải mỏng để giảm bớt khó chịu và sưng.
- Vệ sinh vết loét bằng cồn có thể làm giảm sưng và giúp vết loét khô lại. Thực hiện 2 – 4 lần mỗi ngày.
- Ngoài ra người bệnh cần uống nhiều nước và dành thời gian nghỉ ngơi để góp phần hỗ trợ điều trị mụn rộp môi.
Cách phòng ngừa mụn rộp ở môi
Các vết loét do mụn rộp môi có thể được cải thiện sau 2 – 3 tuần. Tuy nhiên, mụn rộp có thể tái phát trong tương lai, do đó để ngăn ngừa tái phát, người bệnh có thể lưu ý một số vấn đề như:
- Sử dụng kem chống nắng phù hợp khi ở ngoài trời. Bảo vệ môi và khu vực xung quanh miệng bằng kem chống nắng hoặc che chắn cẩn thận.
- Kiểm soát căng thẳng, stress, dành thời gian để thư giãn và nghỉ ngơi.
- Uống nhiều nước, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Tránh các loại thực phẩm có thể kích thích mụn rộp sinh dục như chocolate, gelatin hoặc các loại hạt.
- Tránh tiếp xúc gần gũi với người khác, đặc biệt là hôn hoặc quan hệ tình dục với người khác cho đến khi các vết mụn rộp khỏi hoàn toàn.
- Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy, một vợ một chồng. Sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ khác khi quan hệ với bạn tình mới.
- Không dùng chung đồ vật cá nhân với người khác, đặc biệt là khăn tắm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng hoặc dụng cụ ăn uống.
- Đối với trẻ em, thường xuyên vệ sinh tay chân, cơ thể của trẻ để tránh các vấn đề nhiễm trùng. Ngoài ra, đồ chơi, ti giả, bình sữa,… cũng cần được vệ sinh và khử trùng thường xuyên. Nếu một đứa trẻ xuất hiện mụn rộp, hãy đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức để tránh các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mụn rộp ở môi thường không quá nghiêm trọng và có thể được cải thiện bằng thuốc và các biện pháp chăm sóc tại nhà. Trao đổi với bác sĩ chuyên môn hoặc nhân viên y tế nếu có bất cứ thắc mắc hoặc vấn đề nào trong quá trình điều trị.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!