Nhót tây
Quả nhót tây chứa nhiều dinh dưỡng, ngoài ăn vui miệng, loại quả này còn có tác dụng tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể. Bên cạnh đó, lá của cây nhót tây cũng được biết đến như một dược liệu giúp chữa ho, ho hen do phế nhiệt, viêm khí quản mãn tính hoặc nôn mửa do vị nhiệt,…
+ Tên khác: Tỳ bà diệp, lô quất, sơn trà Nhật Bản hoặc phì phà
+ Tên khoa học: Eriobotrya japonica
+ Họ: Hoa hồng Rosaceae
I. Mô tả nhót tây
+ Đặc điểm thực vật
Nhót tây là loại cây bụi có thân ngắn và nhiều cành. Cây có chiều cao khỏang 3 – 4 m, đôi khi có cây cao đế 10 m. Lá cây nhót mọc so le, có màu lục thẫm, thường dày và cứng. Lá có răng cưa với mặt bên dưới có lông. Ở lá non lông mọc rậm hơn.
Hoa nhót tây mọc thành chùm, mỗi chùm hoa gồm 3 – 10 hoa, có đường kính khoảng 2 cm, gần như không có cuống. Hoa có màu trắng, có mùi thơm ngọt ngào. Quả nhót hình cầu, có lông nhưng ít.
Quả có chiều dài 3 – 4 cm với đỉnh quả có mắt quanh mép. Thịt quả hơi dày, có 4 hạch đơn và mỗi hạch thường mang 1 – 2 hạt. Quả nhót tây thường chín vào tháng 4 đến tháng 5.
+ Phân biệt nhót tây và nhót (Elaeagnuas latifolia L.)
Để tránh gây nhầm lẫn giữa các vị thuốc trong chữa bệnh, bạn cần phân biệt được nhót tây và nhót (Elaeagnuas latifolia L.). Cách nhận biết đơn giản sau:
- Nhót tây: Lá nhót tây có hình mác và mọc so le nhau. Lá có răng cưa và phía mặt dưới thường có nhiều lông màu vàng nhạt hoặc xám. Lá nhót tây có chiều dài 12 – 30 cm và rộng 3 – 8 cm. Quả nhót tây chín có màu vàng.
- Nhót (Elaeagnuas latifolia L.): Cũng giống như nhót tây, lá của nhót (Elaeagnuas latifolia L.) cũng mọc so le. Tuy nhiên, điểm khác biệt là lá của loại nhót này có hình bầu dục. Mặt trên lá có màu xanh lục và bên dưới có màu trắng bạc, nhiều lông mịn. Nhót (Elaeagnuas latifolia L.) chín có màu đỏ.
+ Phân bố
Cây có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản. Ở Việt Nam cây mọc hoang và được trồng nhiều ở các tỉnh thuộc khu vực miền Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Nội.
+ Thành phần hóa học
Tùy vào từng bộ phận mà nhót tây có chứa những thành phần khác nhau như:
- Lá: Theo Từ Quốc Quân, trong 1 gram lá tỳ bà diệp có chứa 2.8 mg các hoạt chất như vitamin B và saponin. Còn theo Arrhur và Hui (Chem, Soc., 1954 và CA.. 1955), lá có chứa nhiều caryophylin, axit ursolic C20H48O3 và axit oleanic
- Hạt: Chứa nhiều HCN và amydalin
- Quả: Chứa nhiều nguyên tố khác nhau như kali, phốt pho, fructose, sắt, canxi, glucose, vitamin A, C, B,…
+ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
– Bộ phận dùng
Lá (lá khô dược liệu gọi là tỳ bà diệp), hoa và quả
– Thu hái
Lá thường hái vào tháng 4 cho đến tháng 5
– Bào biến
- Tỳ bà diệp (lá nhót tây khô): Sau khi hái về đem lau sạch lông để tránh gây ho hoặc ngứa cổ khi dùng. Tiếp theo thái nhỏ lá và phơi hoặc sấy khô. Tốt nhất nên chọn lá to, xanh, bỏ những lá bị nát hoặc vàng.
- Tỳ bà diệp bào chế theo Lôi Công Bào Chích Luận: Lá nhót sẽ được rửa sạch rồi phơi khô hoặc dùng miếng vải chùi sạch lông. Sau đó lau lại bằng nước cam thảo rồi bôi mỡ sữa lên khắp lá và nướng.
- Tỳ bà diệp chích mật: Dùng tỳ bà diệp thái sợi cho vào nồi, thêm mật ong vào nấu chín. Sau đó, cho một lượng nước sôi thích hợp vào và trộn đều, đậy kín nắp. Tiếp đó, đổ hỗn hợp vào chảo và bật lửa nhỏ, sao hỗn hợp cho đến khi không dính tay, tắt bếp và để nguội. Tỷ lệ mật ong và tỳ bà diệp trong tỳ bà diệp chích mật là 26:100
– Bảo quản
Đối với lá nhót tây sau khi thu hái về thì chế biến ngay tránh lá bị úa vàng và hư. Còn đối với dạng đã qua bào chế thì nên đậy kín và để ở nơi thoáng mát.
II. Vị thuốc
+ Tính vị
Lá nhót tây phơi khô có tính bình và vị đắng
+ Qui kinh
Đi vào kinh Vị và Phế
+ Tác dụng
Nhót tây có tác dụng giáng khí hóa đờm, thanh phế hòa vị,… Do đó, thảo dược thường dùng để cải thiện các triệu chứng bệnh do nhiệt như miệng khát, ho nhiều, có đờm.
Ngoài ra, dược liệu còn dùng để khắc phục chứng nôn mửa ở phụ nữ có thai. Bên cạnh đó, nước sắc lá cây nhót cũng có thể dùng để rửa vết thương, ngăn ngừa viêm nhiễm.
+ Cách dùng và liều lượng
Dùng dưới dạng thuốc bột hoặc sắc uống. Liều dùng dưới dạng thuốc sắc là 6 – 12 gram, còn thuốc bột là 4 gram.
III. Bài thuốc chữa bệnh từ nhót tây theo kinh nghiệm dân gian
+ Tăng cường sức đề kháng
Mỗi ngày ăn 3 – 5 trái nhót, giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể. Từ đó giúp nâng cao hệ miễn dịch, chống lại bệnh tật.
+ Điều trị chảy máu cam
Lá tỳ bà diệp tươi đem rửa hoặc lau sạch lông. Sau đó đem sao vàng và tán thành bột mịn. Mỗi lần uống lấy 4 gram chiêu với nước chè và uống. Ngày uống 2 để tăng tác dụng chữa trị.
+ Chữa chứng quy hung theo Tỳ Bà Diệp Thang
Chuẩn bị tỳ bà diệp, bối mẫu, tang diệp, tiên hồ, xạ can, sa sâm, bạc hà, bách hợp, thiên hoa phấn, tô tử và sinh khương. Mỗi ngày 1 thang sắc uống. Tùy thuộc vào từng chứng bệnh mà thầy thuốc sẽ kê liều phù hợp với mỗi người.
+ Điều trị ho hen do phế nhiệt
Dùng 12 gram tỳ bà diệp chích mật sắc chung với 12 gram bạch tiền, 8 gram cát cánh và 14 gram tang bạch bì. Uống liên tục cho đến khi triệu chứng bệnh có dấu hiệu giảm.
+ Điều trị chứng Tỳ VỊ hư nhược dẫn đến triệu chứng ói mửa (Tỳ Bà Diệp Ẩm – Chứng Phổ Tế Bản Sự Phương)
Lấy 8 gram lá nhót tây khô sắc chung với các dược liệu như 80 gram mao căn, 7 lát sinh khương, 4 gram bán hạ, 20 gram phục linh và 4 gram nhân sâm. Mỗi ngày sắc uống 1 thang cho đến khi khỏi bệnh.
+ Chữa phế ho do phong nhiệt theo Tỳ Bà Thanh Phế Ẩm gia vị – Ngoại khoa Đại Thành
Chuẩn bị 12 gram lá nhót tây khô, 4 gram hoàng bá, 8 gram tang bạch bì, 4 gram nhân sâm, 4 gram cam thảo và 4 gram hoàng liên. Tất cả các thảo dược đem sắc thuốc, chia đều và uống trong ngày.
+ Chữa viêm khí quản mãn tính hoặc ho theo Diệp Quyết Tuyền
- Chuẩn bị: 20 gram lá nhót tươi (đã lau sạch lông), 5 gram cam thảo và 10 gram khoản đông hoa.
- Cách sắc: Cho tất cả các thảo dược vào ấm, thêm 600 ml nước và sắc cho đến khi cạn còn 200 ml. Lọc lấy thuốc và chia làm 3, uống trong ngày.
+ Điều trị cảm nắng gây hoa mắt, váng đầu theo Tỳ Bà Diệp Tán
Lấy 20 gram tỳ bà diệp, 3 lát gừng, 20 gram đinh hương, 20 gram trần bì, 40 gram mao căn, 40 gram chích thảo, 40 gram mộc qua, 30 gram hương nhu, 40 gram mạch môn và 20 gram hậu phác. Sắc uống. Ngoài ra, cũng có thể đem tất cả các vị thuốc nghiền thành bột. Mỗi lần lấy 12 – 14 gram hòa tan nước ấm và uống.
+ Điều trị buồn nôn do vị nhiệt
Sử dụng 12 gram tỳ bà diệp sắc chung với 6 gram cam thảo chích, 12 gram trúc nhự và 12 gram lô căn.
Nhót tây giúp hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, đối với người nôn mửa do phong hàn hoặc hư hàn không nên sử dụng. Bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi dùng dược liệu này điều trị bệnh.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!