Long não

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ

Long não là cây thân gỗ, thường được trồng để lấy bóng mát, đuổi muỗi, chống nấm mốc. Trong y học cổ truyền, Long não còn được dùng để làm thuốc sát trùng, tiêu viêm, chữa trụy tim và điều trị một số ngoài da.

Hình ảnh cây Long não
Hình ảnh cây Long não
  • Tên gọi khác: Dã hương, Chương não, Cà chăng diẳng (người Dao), Mạy khao chuông (người Tày), Long não hương, Mai hoa băng phiến, Triều não,…
  • Tên khoa học: Cinnamomum camphora N. et E
  • Họ: Long não – Lauraceae

Mô tả dược liệu Long não

1. Đặc điểm sinh thái

Long não hay còn gọi là Dã hương là một cây thân gỗ, to lớn, thường xanh. Cây thường cao khoảng 10 – 15 mét, đôi khi cao đến 20 – 30 mét, đường kính thân khoảng hơn 2 mét. Long não phân thành nhiều cành, cành thưa, nhẵn, vỏ cây hơi thô, có nhiều đốm màu, bị nứt nẻ theo chiều dọc của thân cây.

Lá Dã hương nhẵn, bóng, bề mặt có sáp và có mùi thơm đặc trưng khi vò nát lá. Lá cây có hình bầu dục, mọc so le, mặt trên lá có màu xanh sẫm, mặt dưới lá màu nhạt hơn, cuống lá dài khoảng 2.5 – 3 cm. Gân lá hình lông chim, gân chính nổi rõ ràng, xung quanh có hai gân phụ. Ở gốc lá nơi gân chính là gân phụ gặp nhau có hai tuyến nhỏ bóng.

Hoa Dã hương nhỏ, mọc thành chùy, thường ở ngọn cành. Hoa có màu vàng lục, lưỡng tính, mọc đều. Đế hoa lõm mang bộ nhụy và bao hoa xếp thành từng vòng. Bao hoa gồm 3 lá đài và 3 cánh hoa. Bộ nhụy gồm 3 vòng nhụy hữu và 1 – 2 nhụy lép.

Quả Dã hương có hình cầu, to bằng hạt tiêu đen, bên dưới có cuống nhỏ hình chén. Quả thuộc nhóm quả mọng, mọc thành từng cụm với đường kính quả khoảng 1 cm.

2. Bộ phận sử dụng

Bột kết tinh sau khi cất gỗ, lá Long não được ứng dụng để làm dược liệu.

Ngoài ra, vỏ thân, thân còn được dùng ngâm rượu, lưu trữ dùng chữa nhiều bệnh.

3. Phân bố

Dã hương là cây có nguồn gốc từ Đông Á như Đài Loan, miền Nam Nhật Bản, phía Đông Nam Trung Quốc và khu vực Đông Dương. Ngoài ra, Dã hương cũng xuất hiện tại Úc, ven bờ biển Đen và khu vực Kavkaz.

Tại Việt Nam, Dã hương được tìm thấy ở nhiều tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái. Hiện tại, nhiều đường phố Hà Nội cũng trồng cây Dã hương để lấy bóng mát và đuổi muỗi, côn trùng.

4. Thu hái – Bào chế dược liệu Long não

Gỗ Dã hương được thu hái vào mùa xuân và mùa thu. Cây trên 40 – 50 tuổi sẽ cho nhiều dược liệu Long não (hay Băng phiến) tốt hơn.

Sau khi thu hoạch, tiến hành cất gỗ, rễ, lá cây Dã hương để thu tinh dầu và tinh thể Băng phiến. Các bào chế vị thuốc Long não như sau:

  • Cách thứ nhất: Cắt nhỏ cành cây, cành lá và rễ để chưng cất, thu về Băng phiến thô. Sau đó thăng hoa tinh chế thêm một lần nữa để thu bột Băng phiến tinh chế. Cho bột tinh chế vào khuôn để thu về những khối Long não ở thể rắn.
  • Cách thứ hai: Cắt nhỏ cành, thân, rễ mang đi cất với nước sạch để thu được tinh dầu Long não. (theo Dược Liệu Việt Nam).
  • Cách thứ ba: Ngâm Dã hương với cồn 600 theo tỷ lệ 1:1 sẽ thu về dung dịch ngâm Dã hương, dùng để xoa bóp ngoài da (theo Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).
  • Ngoài ra, ở Trung Quốc và Nhật Bản có thể dùng lá, cành để đun sôi, dùng xông giải cảm.

5. Bảo quản dược liệu Long não

Long não sau khi cất, nén viên cần bảo quản trong lọ kín, tránh để tiếp xúc với không khí. Có thể cho thêm Đăng tâm để không làm mất mùi hương.

6. Thành phần hóa học

Dã hương chứa một số thành phần như:

  • Tinh dầu và tinh thể Dã hương D – Camphora (theo Trung Dược Học).
  • Trong gỗ chứa khoảng 0.5 Long não đặc và 0.2% tinh dầu (theo Dược Liệu Việt Nam).
  • Tinh dầu chưng cất sẽ thu được tinh dầu Long não trắng (dùng bào chế Cineola), tinh dầu Long não đỏ (chứa Carvacrola và Safrola), tinh dầu Long não xanh (chứa Azulen, Camhoren và Cadinen) (theo Đại Thực Dụng Trung Dược).
  • Tinh dầu trong rễ, thân, lá có chứa A – Pinen, D  -Camphor, D – Limone, Cineol, Safrol, Campherenol, Terpineol, Phellandrene, Carvacrol, Azullen, Cadinen (theo Trung Dược Học).

7. Giá bán

Giá bán trên thị trường của cây long não khoảng 100.000 VNĐ/ cây. Thường thì cây được mua về trồng để lấy bóng mát cho những không gian rộng.

Vị thuốc Long não

dược liệu long não
Cành và lá cây Dã hương

1. Tính vị

  • Vị cay, tính nóng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu)
  • Vị cay, đắng, tính ấm, chứa độc tố nhẹ (theo Bản Thảo Phẩm Hội Tinh Yếu)
  • Vị cay, tính nóng, chứa độc (theo Trung Dược Học)
  • Vị cay, tính nhiệt, không chứa độc tố (theo Bản Thảo Cương Mục)

2. Quy kinh

  • Vào kinh Phế, Vị, Tâm (theo Đông Dược Học Thiết Yếu)
  • Vào kinh Can (theo Bản Thảo Tối Yếu)
  • Vào kinh Tỳ, Tâm (theo Bản Thảo Tái Tân)
  • Vào tinh Tâm, Tỳ (theo Trung Dược Học)

3. Tác dụng dược lý của Long não

Theo y học hiện đại:

  • Diệt khuẩn và kích thích, gây tê mát khi thoa lên da.
  • Kích thích niêm mạc dạ dày khi dùng uống trong. Liều nhỏ có cảm giác ấm áp, dễ chịu. Liều cao có thể gây buồn nôn và nôn.
  • Tác dụng lên trung khu thần kinh, gây hưng phấn, tăng cường hô hấp và tuần hoàn. Tiêm dưới da có thể gây kích thích phản xạ, hưng phấn.
  • Tác dụng lên hệ thống tim mạch, tuy nhiên chỉ có tác dụng làm với người có chức năng tim mạch bị suy kiệt. Các trường hợp thông thường, Long não không có tác dụng đặc biệt đối với tim.
  • Tác dụng động học, được hấp thụ nhanh thông qua da, niêm mạc. Long não oxy hóa ở gan, chuyển hóa và được bài tiết thông qua nước tiểu (theo Trung Dược Học).

Đối với y học cổ truyền:

  • Liệu dương, hóa sang, sát trùng, trừ giới tiễn (theo Bản Thảo Phẩm Hội Tinh Yếu).
  • Khứ phong thấp, khai khiếu, sát trùng, trừ dịch uế (theo Trung Dược Học).
  • Tiêu trừ uế khí, thông quan, lợi khiếu, sát trùng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
  • Lợi trệ khí, sát trùng, trừ thấp, thông qua khiếu (theo Bản Thảo Cương Mục).

4. Cây long não có tác dụng gì?

Một số công dụng của cây Long não bao gồm:

  • Giảm ngứa
  • Giảm đau
  • Điều trị nhiễm trùng da, nấm móng, mụn cơm, bệnh trĩ, viêm xương khớp, các vết lở loét
  • Điều trị các bệnh lý về đường hô hấp
  • Cải thiện các triệu chứng bệnh tim
  • Giảm ho
  • Giảm sưng
  • Nhỏ vào tai như thuốc điều trị nhiễm trùng
  • Cải thiện tình trạng bỏng nhẹ

Chủ trị:

  • Dùng uống trong chữa thổ tả do hàn thấp, chứng đau vùng tim và đau ở bụng, đau dạ dày.
  • Dùng rửa ngoài để xông hoặc rửa chữa ghẻ lở, hắc lào (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

5. Cách dùng – Liều lượng

Long não có thể dùng uống trong hoặc thoa, rửa bên ngoài. Ngoài ra, có thể dùng xông hơi, súc miệng hoặc nhỏ tai.

Liều lượng khuyến cáo:

  • Uống trong 0.1 – 0.2 g mỗi ngày dưới dạng thuốc tán hoặc rượu ngâm.
  • Dùng ngoài: Liều lượng vừa đủ dưới dạng tán bột với dầu hoặc cồn bôi.
  • Dùng nhỏ tai, súc miệng hoặc với dạng sử dụng khác với liều lượng phù hợp hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Bài thuốc sử dụng Long não

ngửi mùi băng phiến có độc không
Long não thường được sử dụng để sát khuẩn, tiêu viêm

1. Chữa lở loét ở người nằm lâu

Trường hợp chưa loét: Sử dụng Dã hương, Não sa, mỗi vị 2 g ngâm với 200 ml cồn 75%, bào chế Tinctura, dùng bôi vào chỗ sắp lở loét.

Nếu đã lở loét, sao mềm Hoàng tố liên, dùng phối hợp với thuốc thoa ngoài (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

2. Chữa đau bụng do uế khí do sa chứng

Dùng (Chương não) Dã hương, Minh nhũ hương, Một dược, mỗi vị phân lượng bằng nhau, tán thành bột mịn. Mỗi lần uống 0.01 g với nước trà. (Chương Não Tán – Trường Sơn Lôi Phương).

3. Chữa bệnh chàm ở chân bội nhiễm hoặc lở loét

Dùng 3g Dã hương, 2 miếng Đậu hũ, trộn đều, dùng đắp bên ngoài (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

4. Chữa hậu môn lở ngứa

Sử dụng Băng phiến, Minh phàn, mỗi vị 2 g, Mang tiêu 20 g, hòa với 600 ml nước sôi. Đợi đến khi còn ấm, dùng ngâm mông 10 phút, mỗi ngày 2 lần (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

5. Chữa trẻ nhỏ ngứa, lở loét da

Dùng Long não, Mè đen, Hoa tiêu, mỗi vị phân lượng bằng nhau, tán thành bột mịn, trộn đều với Vaselin, dùng bôi vào vết thương (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

6. Chữa sâu răng, đau nhức răng

Sử dụng Long não, Chu sa, mỗi vị phân lượng bằng nhau, tán thành bột mịn, dùng bôi vào răng đau (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

7. Chữa đau khớp, bong gân

Sử dụng dầu Long não trộn đều với dầu Tùng tiết, trộn đều, thoa vào khu vực đau (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

8. Chữa giun kim

Sử dụng Long não 1 g, Binh lang 6 g, Hắc bạch sửu 3g, tán thành bột mịn, trộn đều. Trước khi đi ngủ hòa thuốc với 100 ml nước sôi, đợi nước ấm thì dùng ống tiêm bơm thuốc vào hậu môn, liên tục trong 3 – 5 đợt (theo Tào – Mỹ – Hoa – Thượng Hải Trung Y Dược).

9. Chữa viêm họng, ho có đờm, khó thở khò khè

Sử dụng 1.5 g Long não và 7 g Phèn chua, tán nhỏ, cho thêm 1 ít cồn và hòa tan với nước ấm. Dùng tăm bông thấm vào dung dịch thuốc thoa trực tiếp vào cổ họng, mỗi ngày 2 – 3 lần.

10. Chữa bệnh hôi nách

Sử dụng Dã hương 0.4 g hòa với nước giã một củ gừng. Dùng thoa trực tiếp vào nách bị hôi, mỗi ngày 2 – 3 lần, kiên trì cho đến khi thấy mùi hôi giảm bớt.

11. Chữa hắc lào, lang ben

Dùng 12 g Long não, 10 g rễ Bạch hạc, giã nhuyễn rồi trộn với nước ép một quả chanh tươi. Thoa thuốc lên vùng da bị hắc lào mỗi ngày cho đến khi các triệu chứng khỏi hẳn.

Kiêng kỵ, độc tính và lưu ý khi sử dụng Long não

Kiêng kỵ:

  • Phụ nữ và thai và người khí hư không dùng (theo Trung Dược Học).
  • Không phải là chân hàn và người thấp nhiệt không được dùng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

Độc tính:

  • Sử dụng 0.5 – 1 g liều uống có thể gây hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, gây kích thích và nói sảng.
  • Uống trên 2 g có thể kích thích vỏ não, gây co giật, suy hô hấp và tử vong.
  • Uống 7 – 15 g và tiêm bắp trên 4 g có thể gây tử vong.
  • Ngộ độc Dã hương nhẹ có thể được cơ thể tự giải độc nhanh và thường không nguy hiểm đến tính mạng. Việc ấp cứu thường là điều trị các triệu chứng và tránh các biến chứng.

Lưu ý khi sử dụng:

  • Long não rất dễ nhầm với chất ở cây Đại bi (Blumea balsamifera). Bột cây Đại bi thường có màu xanh trắng, mùi thơm nhưng hăng hơn Long não (theo (Dược Liệu Việt Nam).
  • Long não có tính thông khiếu mạnh, chẳng những nóng mà còn bốc, tính chất gần giống với Xạ hương. Người dương khí dễ động, âm khí dễ hao, dùng nhiều Dã hương có thể động dương mà hao âm.

Long não là vị thuốc được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền để phòng ngừa và điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng dược liệu, người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc trước khi dùng.

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ:

Chuối hột

Chuối hột là vị thuốc Nam quý, thường được sử dụng để ngâm rượu, sắc uống hoặc dùng trong chế biến món ăn. Vị thuốc này có tác dụng chữa…

Cây muồng trâu

Cây muồng trâu là loài thực vật mọc hoang nhiều ở các tỉnh của nước ta. Các bộ phận của cây đều có tác dụng dược lý và được sử…

Bán biên liên

Bán biên liên là dược liệu có vị ngọt cay, tính bình, chủ trị rắn độc cắn, nhọt độc, tiểu khó, sốt rét, viêm tai giữa... Vị thuốc này có…

Bạch đàn trắng

Bạch đàn trắng là dược liệu thường được sử dụng để bào chế thuốc kháng khuẩn đường hô hấp và một số bệnh lý ngoài da. Ngoài ra, dược liệu cũng…

Bình luận (1)

  1. Ngô Chí Trung
    Ngô Chí Trung says: Trả lời

    Người ta dùng long não bào chế dầu gió có được không.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua