Cây bạc thau
Bạc thau hay thảo bạc là thảo dược quý trong y học cổ truyền được dùng để thanh nhiệt, lợi tiểu, cầm máu, tiêu đờm, nhuận phế, chữa ho, khu phong trừ thấp, điều kinh. Tùy vào mỗi trường hợp, tình trạng sức khỏe và bệnh lý mà có cách sử dụng cây bạc thau sao cho phù hợp.
Tên khác: Bạc sau, bạch hoa đằng, chấp miên, thảo bạc, lý lớn
Tên khoa học: Argyreia acuta Lour
Họ: thuộc chi Convolvulaceae, họ khoai lang hay bìm bịp.
Bộ phận dùng: Lá cây
Mô tả dược liệu
Bạc thau là cây thuốc được ghi trong các sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi và cuốn “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” của tập thể các Giáo sư, tiến sĩ Viện Dược liệu.
Đặc điểm thực vật
Bạc thau có những đặc điểm sau đây:
- Tổng thể: Là loại dây leo bò hoặc cuốn, thân có lông tơ màu trắng bạc, vỏ thân màu nâu.
- Lá: Lá nguyên, mọc so le, phiến lá có hình trái xoan hoặc bầu dục, đầu nhọn dài 5 – 11cm, rộng 5 – 8 cm; mặt trên nhẵn màu xanh thẫm, mặc dưới có lông màu ánh bạc.
- Cuống lá: Có lông mịn màu trắng nhạt, dài 1,5 – 6 cm.
- Hoa: Mọc thành cụm, cụm hoa hình tán mọc ở kẽ lá đầu cành, đài hoa hình chén có lông màu ánh bạc. Hoa trắng, mặt trong hoa cũng có lông mịn.
- Quả: Quả mọng chín có màu đỏ, hình cầu, đường kính 8mm, được bao bọc bởi lá dài có mặt trong màu đỏ, chứa 2 – 4 hạt màu nâu.
Phân bố, thu hái
Phân bố: Bạc thau mọc dại ở các tỉnh phía Bắc, từ đèo Hải Vân trở ra, mọc ở các bờ bụi, đặc biệt là trên các triền đồi núi đá vôi. Ngoài ra, còn thấy ở Hoa Nam Trung Thuốc.
Thu hái: Quanh năm, có thể dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Thành phần hóa học
Hiện nay, vẫn chưa thấy có nghiên cứu nào về thành phần hóa học của dược liệu này.
Bảo quản
Nơi khô ráo, thoáng mát.
Các loại bạc thau khác
Ngoài loại bạc thau được dùng làm thuốc trên, có nhiều loại bạc thau khác như:
- Bạc thau hoa đầu (Argyreia capitata Lour): Mọc ở các tỉnh phía bắc và phía Nam như Thái Nguyên, Hòa Bình, Đồng Nai, Khánh Hòa.
- Bạc thau Malabar (Argyreia malabarica Choisy): Mới chỉ thấy ở Kon Tum.
- Bạc thau tím (Argyreia nervosa (Burm.F.) Bojer: Có nguồn gốc Ấn Độ
- Bạc thau xám tro (Argyreia osyrenssis (Roth.) Choisy: Có ở Kon Tum, Đăk Lăk.
- Bạc thau lá tù (Argyreia obtusifolia Lour.): Có ở Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, được dùng chữa cảm cúm.
Vị thuốc bạc thau
Thông thường, chỉ có lá bạc thau được dùng làm thuốc, các đặc điểm của vị thuốc này như sau:
Tính vị:
Vị đắng, cay, hơi chua, tính mát.
Tác dụng:
Thanh nhiệt, lợi tiểu, điều kinh, thư cân hoạt lạc, chỉ huyết, nhuận phế, tiêu đờm, làm hết ho.
Chủ trị:
Chữa bí tiểu tiện, tiểu ít tiểu buốt, nước tiểu đục, bạch đới, ngứa lở, mụn nhọt, ho, sốt rét, viêm phế quản cấp và mãn tính.
Công dụng:
- Trong dân gian, thường được dùng chữa rong kinh, rong huyết, gãy xương, bong gân
- Ở Vân Nam thường được dùng làm thuốc thu liễm, trừ ho, chữa sa tử cung, ho suyễn, ho nóng, thoát giang.
- Ở Quảng Tây được dùng làm thuốc trị đòn ngã tổn thương.
Liều lượng:
Ngày dùng 20 – 40g ở dạng tươi và 6 – 20g ở dạng khô dạng thuốc sắc. Nếu dùng ngoài da thì không kể liều lượng.
Bài thuốc chữa bệnh với bạc thau
Bạc thau được ứng dụng trong rất nhiều bài thuốc khác nhau. Cụ thể:
Bài thuốc chữa rong kinh, rong huyết
Nếu bạn đang thắc mắc cây bạc thau có tác dụng gì thì câu trả lời là tác dụng đầu tiên của loại thảo dược này là chữa rong kinh rong huyết, khí hư, kinh nguyệt không đều. Thường được áp dụng là:
- Chữa khí hư, kinh nguyệt không đều: 10g lá bạc thau, 10g rễ xích đồng nam, 10g vỏ thân mía tía, 10g rễ cỏ tranh, 8g rễ móc diều, 8g có hàn the, 8g lá huyết dụ phơi khô, sắc uống mỗi ngày.
- Chữa rong kinh rong huyết: Lấy 30 – 40g lá bạc thau tươi, rửa sạch, giã nát thêm ít nước sôi để nguội, vắt lấy phần nước để uống phần bã thì đắp lên đỉnh đầu. Ngoài ra, có thể dùng 20g bạc thau, 20g ngải cứu, 20g lá bạch đầu ông sắc với nước để uống.
- Chữa băng huyết: Lấy 10g lá bạc thau, 16g ngổ trâu, sao vàng, sắc uống trong ngày. Uống liên tục trong 5 – 7 ngày để thấy hiệu quả.
- Chữa bạch đới, khí hư ra nhiều do tỳ hư, can uất: Lấy 30g lá bạc thau, 30g lá bấn giã vắt lấy nước cốt chia làm 3 lần uống trong ngày.
Bài thuốc chữa bệnh ngoài da
Bạc thau cũng thường được dân gian sử dụng để chữa các bệnh như mụn nhọt, lở loét, sưng tấy, ứ huyết. Cách chữa như sau:
- Chữa mụn nhọt, lở loét: 30g lá bạc thay, 20g lá xuyên tiêu, 20g lá trầu không, 5g thuốc lào giã nát, đảo trên chảo cho nóng, đắp vào chỗ bị mụn nhọt hoặc lở loét rồi băng lại. Ngoài ra, có thể dùng lá bạc thau khô, giã nhỏ, rây mịn rắc chỗ lở loét, mỗi ngày dùng 1 lần sẽ thấy hiệu quả.
- Chữa sưng tấy, ứ huyết: Lấy 10g lá bạc thau, 10g quýt rừng sắc uống. Hoặc lấy 30g lá bạc thau tươi, 30g lá xuyên tiêu, 30g lá dây đòn gánh giã nát, cho vào chảo, đảo nóng với ít rượu, đắp lên chỗ sưng 1 lần/ngày.
- Chữa lở ngứa, rôm sảy, ghẻ lở: Lấy lá bạc thau nấu với nước để tắm, rửa mỗi ngày sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng ghẻ lở, lở ngứa.
Bài thuốc bạc thau chữa ho ở trẻ em
Có thể dùng lá bạc thau để chữa ho cho trẻ em bằng cách:
- Nguyên liệu: 6 – 8g lá bạc thau, 6 – 8g lá me chua, 6 – 8g lá xương xông
- Lấy tất cả giã nát, vắt lấy nước
- Để dễ uống, có thể cho thêm một tí đường.
Trên đây là một số thông tin về cây thuốc bạc thau và công dụng cũng như cách sử dụng. Bạc thau thực sự là vị thuốc nam quý, mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho người bệnh. Tuy nhiên vì là cây thuốc nam, bạc thau mang đến tác dụng điều trị chậm do đó khi sử dụng người bệnh cần kiên trì. Đặc biệt, cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc tư vấn của thầy thuốc để tránh các tác dụng không mong muốn.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!