Thảo quả
Thảo quả có đặc tính thơm, có vị ngọt và cay, thường được sử dụng để làm gia vị. Trong Đông y thường sử dụng để làm ấm bụng, tiêu ích, trừ đờm, trục hàn, điều trị rối loạn tiêu hóa,…
- Tên gọi khác: Đò ho, tò ho, may mac hâu, mac hâu,…
- Tên gọi theo khoa học: Amomum tsaoko Crevost et Lem
- Họ khoa học: Gừng – Zingiberaceae
Mô tả dược liệu Thảo quả
1. Điểm điểm sinh lý Thảo quả
Thảo quả có hình dáng giống cây gừng nhưng cao và to hơn gừng nhiều lần. Thảo quả sống lâu năm, có thể cao khoảng 2,5 – 3 m. Rễ thân mọc ngang, có đốt, đường kính khoảng 2,5 – 4 cm, vỏ ngoài có màu hồng, ở giữa màu trắng nhạt, có mùi thơm.
Lá thảo quả mọc so le , mặt lá màu xanh sẫm, phía dưới xanh nhạt hơn. Bẹ lá có nhiều khía dọc. Mỗi phiến lá dài khoảng 50 – 70 cm.
Hoa Thảo quả thường mọc thành cụm ở gốc. Cụm hoa thường dài khoảng 13 – 20 cm, có màu đỏ nhạt. Mỗi bông hoa có thể cho ra nhiều quả, quả chín có màu đỏ nâu, dài khoảng 2,5 – 4 cm, rộng 1,5 – 2 cm. Vỏ quả dày 5 mm, chia thành 3 ô, mỗi ô có khoảng 7 – 8 hạt hình tháp, ép sát vào nhau, mùi thơm.
2. Phân bố
Thảo quả thường mọc hoang ở Ấn Độ, miền nam Trung Quốc, Campuchia, Nepan, miền bắc Việt Nam,… Tại nước ta, Thảo quả được tìm thấy ở khu vực Tây Bắc, Hoàng Liên Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu,…
3. Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng làm thuốc: Quả.
Thu hái: Thu hái lúc quả chưa chín, mang về phơi khô hoặc sấy trên lửa nhỏ để khô. Thời gian sấy khô khoảng 3 – 4 ngày. Thảo quả khô sẽ chuyển sang màu nâu xám nhạt, vỏ quả có nhiều nếp nhăn dọc theo và thường phủ một lớp phần trắng bên ngoài vỏ.
Bào chế dược liệu thảo quả:
- Dùng cám hòa với nước để thu hỗn hợp dẻo như hồ. Dùng hồ này bọc Thảo quả lại rồi mang đi nướng, bỏ phần xác và xơ trắng bên trong, lưu trữ để dùng dần (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
- Dùng bột mì hòa với nước sôi cho dẻo thành hồ. Dùng hồ này bọc lấy Thảo quả, nướng chín. Bỏ phần vỏ, sử dụng phần nhân (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
4. Bảo quản dược liệu
Bảo quản Thảo quả ở nơi thoáng mát, nhiệt độ vừa phải, tránh độ ẩm không khí cao.
Không được bóc vỏ Thảo quả khi không có nhu cầu sử dụng. Bóc vỏ quả sẽ làm mất hương thơm của quả.
5. Thành phần hóa học
Thành phần hóa học chủ yếu của Thảo quả bao gồm: Phospho, Vitamin C, khoáng chất đồng, chất sắt, kẽm, tinh dầu, chất xơ, carbohydrate, protein,…
Thảo quả chứa 1 – 3% tinh dầu. Tinh dầu màu vàng nhạt có mùi thơm, ngọt, vị nóng, cay nhưng dễ chịu.
Vị thuốc Thảo quả
1. Tính vị
Theo y học cổ truyền, Thảo quả có vị cay, không độc, tính ôn thường được dùng để làm ấm bụng, giúp ăn ngon miệng.
Thảo quả vị cay, tính ôn, không độc (theo Sách Âm thiện chính yếu).
Thảo quả vị cay nhiệt (Sách Bản thảo tùng tân).
2. Quy kinh
Thảo quả quy vào kinh Vị và Tỳ.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền, Thảo quả thường được sử dụng để:
- Làm ấm bụng
- Lợi vị giác, giúp ăn ngon miệng hơn
- Trừ đờm
- Trục hàn
- Tiêu tích
- Giải độc
- Kích thích hệ thống tiêu hóa
- Điều trị chướng bụng
- Chữa nống, sốt, ho
- Điều trị bệnh tiêu chảy
4. Cách dùng – Liều lượng
Quả và hạt Thảo quả được dùng để làm thuốc. Thảo quả có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các loại dược liệu khác để tăng hiệu quả điều trị.
Liều dùng khuyến cáo khoảng 3 – 6 g mỗi ngày. Tuy nhiên, liều lượng phụ thuộc vào bài thuốc và tình trạng bệnh lý của người bệnh. Do đó, trao đổi với thầy thuốc để có liều lượng sử dụng an toàn.
Bài thuốc sử dụng Thảo quả
1. Điều trị đầy hơi chướng bụng
Thảo quả (đã nướng), thần khúc, thanh bì, cao lương khương mỗi vị 6g, hậu phác, hoắc hương, đại táo, sinh khương mỗi loại 10g, đinh hương, cam thảo mỗi vị 4g. Mang các vị thuốc đi sắc uống trong ngày. Mỗi ngày một thang.
2. Điều trị sốt rét
Bài thuốc thứ nhất: Thảo quả 8 g, sinh khương, phụ tử chế mỗi vị 12g, đại táo 3 quả. Mang sắc thành thuốc uống trong ngày.
Bài thuốc thứ hai: Thảo quả, hậu phác, thanh bì, hạt cau, trần bì, mỗi vị 12g, cam thảo 4g. Cho vào nồi nửa phần nước và nửa phần rượu (rượu 20 độ) sắc cùng các vị thuốc trên, dùng uống trong ngày. Bài thuốc này thiên về chữa sốt rét nhiều đờm ướt, lỏng.
Bài thuốc thứ ba: Thảo quả, thường sơn, hạt cau mỗi vị 6g, sắc thành thuốc uống trong ngày.
Bài thuốc thứ tư: Thảo quả nhân 20g mang đi nghiền nát thành bột, sau đó lại cuộn vào tấm vải mỏng. Trước khi lên cơn sốt rét một giờ, nhét cuộn bột thảo quả vào một bên mũi.
Bài thuốc thứ năm: Thảo quả, hạt cau, thường sơn, bối mấu, dưng tươi, đại táo mỗi vị 12g, chi mẫu 8g sắc lấy nước uống trong ngày.
Bài thuốc thứ sáu: Thảo quả, kha tử mỗi loại 10g, đại táo 12g, sinh hương 7 miếng sắc cùng với 600 ml nước cho đến khi còn 200 ml là được. Dùng uống nhiều lần trong ngày. Bài thuốc này thiên về chữa sốt rét đờm đặc, nóng.
3. Hỗ trợ điều trị tiêu chảy phân sống ở trẻ nhỏ
Thảo quả 5g, gừng tươi 3g cho vào nồi nước, sắc lấy nước bỏ phần bã. Sau đó cho thêm 30g gạo nếp tẻ vào nước thuốc sắc trên nấu thành cháo. Mỗi ngày ăn 2 lần lúc đói. Liệu trình điều trị kéo dài khoảng 2 – 3 ngày.
4. Điều trị hôi miệng
Thảo quả giã dập dùng ngậm và nuốt dần.
5. Điều trị suy nhược cơ thể, khó tiêu, chán ăn
Làm sạch một con gà trống khoảng 1 kg, chặt thành miếng vừa ăn. Lại dùng Thảo quả, gừng mỗi vị 6g, trần bì, hồ tiêu mỗi vị 3g cho vào túi vải nhỏ, thắt chặt và cho vào nồi nước nấu gà, thêm gia vị, hầm nhừ.
Ăn 2 – 3 lần trong ngày. Mỗi tuần ăn 2 – 3 lần.
6. Điều trị đau dạ dày
Bài thuốc thứ nhất: Thảo quả (nướng chín) 6g, hậu pháp, hoặc hương, sinh khương, đại táo mỗi vị 12g, thanh bì, thần khúc, bán hạ khúc mỗi vị 8g, cam thảo, đinh hương mỗi vị 4g sắc lấy nước dùng uống trong ngày.
Bài thuốc thứ hai: Thảo quả (đã nướng) 6g, hoắc hương, hậu phác, sinh khương mỗi vị 10g, bán hạ, thần khúc, cao lương khương mỗi vị 6g, sắc lấy nước uống trong ngày. Mỗi ngày uống một thang thuốc, liên tục trong 3 – 5 ngày.
7. Điều trị đại tiện ra máu, xích bại lỵ
Dùng Thảo quả, chỉ xác, địa du, cam thảo mỗi vị phân lượng bằng nhau mang tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 6g hòa nước nước gừng. Mỗi ngày uống 2 lần.
Lưu ý khi sử dụng Thảo quả
Bệnh nhân mắc chứng âm huyết hư không nên dùng Thảo quả.
Người bệnh cần dùng một lượng lớn Thảo quả hoặc dùng trong thời gian dài vui lòng trao đổi với thầy thuốc.
Phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên dùng Thảo quả.
Bệnh nhân sỏi thận, sỏi mật không nên dùng.
Một số tác dụng phụ khi dùng có thể bao gồm phát ban, khó thở, đau tức ngực,…
Thảo quả là một loại dược liệu quý và được dùng để điều trị nhiều bệnh trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, để đảm bảo ăn toàn và tránh khỏi các tác dụng phụ, người dùng nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn trước khi sử dụng Thảo quả điều trị bệnh.
Bình luận (1)
Thảo quả ngâm rượu uống có công dụng gì?