Thạch sùng

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ

Thạch sùng tức con Thằn lằn hay Mối rách là vị thuốc có vị mặn, hàn thường được ứng dụng để trừ phong, lỵ cam ở con em, chữa các bệnh xương khớp, tràng nhạc, rắn rết cắn.

thạch sùng
Thạch sùng là dược liệu được sử dụng phổ biến để điều trị hen suyễn, ung nhọt, lở ngứa

  • Tên gọi khác: Thằn lằn, Thủ cung, Mối rách, Thiên long, Hát hổ, Bích hổ, Bích hổ
  • Tên khoa học: Hemidactylus Frenatus Schleget
  • Họ: Tắc kè – Gekkonidae

Mô tả dược liệu Thạch sùng

1. Đặc điểm

Thạch sùng là động vật bò sát, họ tắc kè thường bám trên tường, trần nhà để ăn nhện, ruồi, muỗi. Toàn thân Thạch sùng dài khoảng 8 – 12 cm, hình dạng gần giống như tắc kè nhưng kích thước nhỏ hơn. Thằn lằn có mắt dọc, lưỡi dài hay thè ra bên ngoài để bắt côn trùng, động vật nhỏ để làm thức ăn.

Thân Thạch sùng nhẵn, hơi có vảy nhưng rất nhỏ, không thể nhìn được bằng mắt thường. Lưng màu tro hoặc tro vàng, bụng trắng hoặc vàng trắng. Bốn chân có màng dính để bám sát vào tường, trần nhà. Đuôi thằn lằn dài. Có thể tự đứt đoạn để thoát thân và mọc lại sau một đoạn thời gian.

2. Bộ phận sử dụng dược liệu

Toàn thân Thằn lằn, kể cả nội tạng được sử dụng để làm thuốc. Khi thu bắt cần chú ý bảo vệ để tránh làm đứt phần đuôi.

3. Phân bố

Thằn lằn là động vật sống hoang ở ở nhiều nơi thuộc vùng nhiệt đới, bao gồm miền Nam Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

con thạch sùng
Con Thạch sùng phân bố phổ biến ở các nước khí hậu nhiệt đới

4. Thu bắt – Sơ chế

Thạch sùng thường phổ biến vào mùa hè, thu bắt bằng tay, cẩn thận không để đứt đuôi dược liệu.

Dược liệu từ Thạch sùng có thể dùng tươi hoặc khô đều được. Ở Trung Quốc, thường dùng khô, trong khi ở Việt Nam, Thạch sùng được dùng sống, khi thu bắt được uống ngay. Nếu sử dụng khô, cần phơi hoặc sấy thật khô để tránh, sâu mọt và ẩm mốc.

5. Bảo quản dược liệu

Nếu sử dụng Thạch sùng khô cần chú ý bảo quản trong hộp kín, ở nơi khô ráo. Bởi vì dược liệu rất dễ bị sâu mọt tấn công, do đó có thể cho vào hộp bảo quản một lớp vôi sống để hút ẩm. Khi vôi tã rồi thì thay lớp vôi khác.

6. Thành phần hóa học

Thành phần chủ yếu được tìm thấy trong Thạch sùng bao gồm:

  • Chất béo, con non khoảng 11.92%, con đực trưởng thành khoảng 15.38% và còn cái trưởng thành là 15.97%.
  • Chất béo được cấu tạo chủ yếu từ: Lyzolexitin, Cardiolipin, Lexitin, Photphatidyl Serin, Photphatidylinontola và Xephalin.

Nhiều nhà nghiên cứu cho biết các thành phần của Thằn lằn tương đối giống với Tắc kè. Do đó, trong một số trường hợp có thể sử dụng Thằn lằn thay cho Tắc kè.

Vị thuốc Thạch sùng

thạch sùng có tác dụng gì
Vị thuốc Thạch sùng vị mặn, tính hàn thường được sử dụng để khu phong, chỉ thống, giải độc

1. Tính vị

Thạch sùng tính hàn, có vị mặn, có độc nhẹ.

2. Quy kinh

Thạch sùng quy vào kinh Can và Tâm.

3. Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu của y học hiện đại:

  • Tác dụng ức chế quá trình phát triển của tế bào ung thư gan.
  • Tác dụng an thần, gây ngủ, chống co giật và phòng ngừa ung thư huyết.
  • Tác dụng ức chế một số loại nấm gây bệnh thường gặp và trực khuẩn lao.

Theo y học cổ truyền:

  • Tán kết giải độc, khu phong, chỉ thống, định kinh.
  • Khu phong, phá huyết tích thành cục, trị thũng lựu.
  • Bổ phế thần, ích tinh huyết, chỉ khái định suyễn.
  • Khư phong hoạt lạc, chỉ thống, trấn tĩnh giản kính.

Chỉ định sử dụng con Thạch sùng:

  • Chữa tràng nhạc (lao hạch), trung phong, loa dịch, sang dương, mụn lở loét.
  • Phong thấp tý thông, điều trị uốn ván, đau nhức xương khớp, viêm đau khớp, viêm đa khớp.
  • Chữa cam lỵ trẻ con tiêu hoàn cục.
  • Điều trị suy nhược thần kinh, lao hạch, cốt tủy viêm, các loại ung thư như ung thư thực quản, ung thư dạ dày.
  • Điều trị các vết cắn của rắn rết sưng đau.

4. Cách dùng – Liều lượng

Thạch sùng có thể sử dụng tươi hoặc khô, dùng sắc uống hoặc đắp ngoài, có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được.

  • Liều lượng khuyến cáo:
  • Dùng ngoài: Liều lượng vừa phải, tán thành bột mịn, hòa với dầu hoặc nước để đắp hoặc tẩm vào gạc nhét vào vị trí sưng đau.
  • Dùng uống: 2- 5 g mỗi ngày dưới dạng sắc. Tán bột hòa nước uống hoặc ngâm rượu, dùng 1 – 2 g mỗi ngày.

Bài thuốc sử dụng Thạch sùng

thạch sùng chữa bệnh gì
Thằn lằn thường dùng điều trị hen suyễn, động kinh, co giật tay chân

1. Điều trị hen suyễn và lao hạch

Bọc Thạch sùng vào lá chuối hoặc lá khoai lang, hơ nóng cho mềm sau đó dùng nuốt. Hoặc dùng Thạch sùng sấy khô, tán thành bột mịn, mỗi ngày dùng uống nửa phân với rượu.

Ngoài ra, có thể sử dụng Thạch sùng 2 con, Hạ khô thảo 6 g, sấy khô, tán thành bột mịn, chia thành 2 lần mỗi ngày, dùng uống với rượu vàng. Dùng kết hợp với Thạch sùng sao tồn tính, tán thành bột hòa với dầu vừng bôi lên vùng hạch tổn thương.

2. Chữa chân tay bại liệt gây đau đớn

Sử dụng Thằn lằn sao vàng, Nhũ hương, Cam thảo, Một dược, mỗi vị 2 tiền 5 phần, Ngự mê xác sao với mật 1 tiền, Trần bì 5 tiền, tán thành bột mịn. Mỗi ngày dùng uống 3 tiền.

Hoặc có thể sử dụng Thằn lằn 2 con, Toàn yết (Bò cạp) 9 g, Địa long 15 g, Ngưu tất 25 g, tất cả mang đi sấy khô, tán thành bột mụn, mỗi ngày dùng uống 2 lần, mỗi lần 6 g.

3. Chữa tâm hư gây co giật

Sử dụng Thằn lằn 1 con, sao vàng, tán thành bột mịn, hòa với bột chu sa và xạ hương, dùng uống với lá Bạc hà.

4. Chữa ung nhọt gây đau đớn

Sử dụng bột Thạch sùng trộn với dầu vừng, dùng bôi lên vùng da bị tổn thương.

5. Chữa kinh phong, tâm hư gây co giật mạn tính

Sử dụng Thạch sùng màu vàng 1 con, mang đi sấy khô, tán thành bột mịn, uống với nước sắc Bạc hà, Chu sa và Xạ hương. Ngoài ra có thể kết hợp nước sắc độc vị Nhị trần thang để tăng hiệu quả điều trị.

6. Điều trị viêm khớp dạng thấp

Sử dụng Thạch sùng, Ngô công, mỗi vị đều 20 g, Bạch chỉ 20 g, tất cả mang đi sấy khô, tán thành bột mịn, mỗi ngày dùng uống 2 lần, mỗi lần 4 g.

7. Điều trị thấp chẩn, cước khí

Sử dụng Thạch sùng 2 con ngâm với 200 ml cồn 90%, sau 10 ngày là có thể sử dụng được. Dùng dịch chiết bôi vào vùng da bệnh.

8. Chữa bệnh nấm da

Dùng Thạch sùng, Ngô công (con rết), đều 5 con, mang đi ngâm với rượu nặng. Sử dụng dịch chiết thoa lên vùng da bệnh.

9. Điều trị bệnh lao

Sử dụng Thằn lằn đặt lên một miếng ngói nướng khô, tán thành bột mịn cho vào nang nhựa.

Mỗi ngày dùng uống 3 lần, mỗi lần 3 – 4 nang, trẻ nhỏ mỗi lần uống 1 – 2 nang. Nếu trẻ con khó uống, có thể sử dụng 1 con Thằn lằn băm nhỏ, rán với trứng, dùng ăn 2 lần mỗi ngày.

Sử dụng thuốc 3 tháng là một liệu trình.

10. Điều trị các lỗ rò do bệnh lao gây ra

Sử dụng Thằn lằn 30 g, Băng phiến 1 – 2 g, Trân châu nung 3 g, tán thành bột mịn. Khi dùng cần chú ý xem kích thước của lỗ rò. Sử dụng gạo vô trùng tẩm bột thuốc cho vào lỗ rò, mỗi ngày một lần.

11. Điều trị các vết rò do phẫu thuật, mổ

Sử dụng Thạch sùng nung khô, tán thành bột mịn. Rửa sạch vết mổ bằng nước muối sinh lý, thổi một lớp bột mịn Thằn lằn khô vào, dùng gạc vô trùng đắp vào vết thương để tránh nhiễm trùng. Mỗi ngày thay thuốc một lần.

Có thể kết hợp với uống bột Tam thất, Bạch cập, Xuyên bối mẫu, đều 2 g, Miết trùng 1 g, tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 – 2 g để tăng hiệu quả điều trị.

12. Điều trị viêm nhiễm mạn tính gây nên các lỗ rò trên da

Vệ sinh vết rò sạch sẽ. Tùy theo độ nong sâu của lỗ rò mà cho vào một cái đuôi Thằn lằn ngâm với một ít cồn. Dùng băng gạc có tẩm Vaselin (hoặc gạc tẩm dầu mù u) đắp lại, cố định, băng dính, mỗi ngày thay thuốc một lần.

13. Điều trị hen phế quản

Sử dụng 1 con Thằn lằn, giã nhuyễn, thêm vào một quả trứng gà, trộn đều, không cho muối. Rán chín, dùng ăn lúc sáng sớm, khi đói, mỗi ngày ăn một lần.

14. Điều trị lao hạch

Trường hợp hạch chưa vỡ: Sử dụng Thằn lằn nung tán thành bột, mỗi ngày uống 1/2 phần.

Trường hợp hạch đã vỡ miệng: Dùng bột Thằn lằn rắc bên ngoài có thể làm sạch vết loét, chống nhiễm khuẩn, làm lành vết thương. Nếu có lỗ rò thì dùng đuôi Thằn lằn tra vào lỗ rò.

Hoặc có thể sử dụng bài thuốc: Thằn lằn, Ngô công, đều 15 g, Băng phiến, Hoàng thăng, đều 3 g, tán thành bột mịn, bôi vào vết thương hoặc vết loét.

15. Điều trị lở loét lâu ngày không khỏi, đau nhức, xuất hiện lỗ rò

Dùng độc vị bột Thạch sùng sấy khô, trộn với dầu bôi vào các vết thương. Trường hợp vết thương có nhiều mủ, 2 ngày thay thuốc một lần, mủ ít 4 ngày thay thuốc một lần.

16. Chữa ung thư gan

Mỗi ngày dùng 2 con Thằn lằn khô, tán thành bột mịn, dùng uống.

17. Điều trị các chứng ung thư khác

Sử dụng Thạch sùng tán thành bột mịn, mỗi ngày dùng uống 5 g, mỗi ngày 2 lần. Hoặc có thể uống 1 – 3 con mỗi ngày, tán thành bột, chia thành 2 – 3 lần mỗi ngày, uống với rượu gạo.

Có thể phối với các vị thuốc khác như Thiềm tô, Long quí để chữa ung thư gan, Ngô công chữa ung thư dạ dày, Trư linh, Trân châu thái (rau Trân châu), Sơn đậu căn chữa ung thư phổi.

Lưu ý khi sử dụng Thạch sùng

Một số trường hợp sau khi sử dụng Thạch sùng thì miệng khô, lưỡi đắng, táo bón. Lúc này có thể sử dụng Quyết minh tử, Mạch môn, mỗi vị đều 9 g, sắc thành thuốc dùng uống thay trà để điều trị.

Một số trường hợp khi dùng ngoài có thể gây ngứa, nổi mề đay, ban chẩn. Tình trạng này thường không nghiêm trọng, khi ngừng thuốc sẽ khỏi.

Thạch sùng là vị thuốc được sử dụng quen thuộc để tán độc, tán kết, điều trị hen suyễn. Tuy nhiên, vị thuốc có thể không phù hợp với một số người dùng. Do đó, trước khi sử dụng người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:

Dế

Dế là vị thuốc Đông y có tính hàn, vị mặn thường được ứng dụng để điều trị táo bón, sỏi đường tiết niệu, bí tiểu và hỗ trợ các trường…
con cà cuống

Cà cuống

Cà cuống là một loại côn trùng có kích thước lớn, còn có tên là đà cuống hay long sắt. Loại côn trùng này đem lại nhiều tác dụng tốt…

Mướp khía

Cây mướp khía có nhiều đặc tính dược lý nên không chỉ được dùng để chế biến món ăn mà còn được dân gian tận dụng để trị viêm xoang,…
Cây đuôi công

Cây đuôi công

Cây đuôi công từ lâu được biết đến là loại thực vật được tận dụng để làm dược liệu giúp chữa trị một số bệnh lý như đau nhức khớp,…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua