Lá sen

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ

Thông thường, hạt sen được biết đến thông dụng hơn trong việc chữa bệnh cũng như bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, lá sen cũng là bộ phận của cây có dược tính cao được ứng dụng lâm sàng trong nhiều bài thuốc. Lá sen có tác dụng dưỡng tâm, an thần, làm hạ huyết áp, giảm mỡ máu, phòng chống các bệnh tim mạch.

tác dụng của lá sen
Lá sen là vị thuốc trị bệnh quen thuộc trong Đông y với tên gọi hà diệp

  • Tên gọi khác: Hà diệp, liên diệp.
  • Tên khoa học: Folium nelumbinis.
  • Họ: Sen (Nelumbonaceae).

Mô tả dược liệu lá sen

1. Đặc điểm thực vật

Lá sen là bộ phận của cây mọc lên khỏi mặt nước, còn có tên gọi khác là hà diệp hay liên diệp. Phần cuống lá dài, phía ngoài có gai nhỏ. Phiến lá có hình khiên, to, đường kính khoảng từ 60 – 70cm tùy thuộc vào thổ nhưỡng. 

Phần mặt trên của lá hơi nhám, thường có màu lục tro. Còn phần mặt dưới thì nhẵn bóng có màu nâu nhạt với gân nổi gờ lên. Mỗi lá sẽ có từ khoảng 17 – 23 gân mọc tỏa tròn hình nan hoa. Lá sen giòn, dễ vụn nát và có mùi thơm dễ chịu.

2. Bộ phận dùng

Lá của cây hoa sen là bộ phận được dùng làm vị thuốc mà bài viết đề cập đến.

3. Phân bố

Sen là loại cây mọc tự nhiên hoặc được trồng nhiều tại các vùng đàm lầy, ao hồ ở nhiều nơi như các nước Đông Dương, Malaixia hay châu Đại Dương. Riêng ở nước ta, cây sen có thể được tìm thấy ở khắp nơi, điển hình nhất là các tỉnh Tây Nam Bộ.

4. Thu hái và sơ chế

Lá sen có thể được thu hái quanh năm nhưng thời điểm tháng 7 – 9 là phổ biến nhất. Ngoài ra, nhiều tài liệu Đông y cho rằng, nên thu hái lá khi cây bắt đầu nở hoa.

Sau khi cắt những lá bánh tẻ về thì cần lau cho sạch và cắt bỏ phần cuống. Tiếp đến đem phơi nắng cho héo rồi gấp thành hình bán nguyệt và phơi tiếp cho khô hẳn.

Hướng dẫn chi tiết một số cách bào chế thông dụng:

  • Lá sen khô đem phun nước cho hơi mềm ra. Sau đó dùng dao bén thái thành các dải dài hay miếng mỏng. Tiếp đến đem phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.
  • Lá sen thán sao: Phần lá sau khi được làm sạch thì đem thái thành dải dài. Sau đó cho vào nồi kín và tiến hành đun nóng rồi để nguội, lấy ra.

5. Bảo quản

Lá sen khi đã được phơi hoặc sấy khô cần được bảo quản trong túi kín ở những nơi khô thoáng.

6. Thành phần hóa học trong lá sen

Phân tích ghi nhận lá sen có chứa một số thành phần quan trọng, bao gồm:

  • Tamin
  • Nuxifcrin
  • Roemerin
  • Nonuxiferin
  • Vitamin C
  • Acid hữu cơ
lá sen chữa bệnh gì
Lá sen sau khi thu hái thường được sơ chế khô để bảo quản dùng dần

Vị thuốc lá sen

1. Tính vị

Theo các tài liệu cổ thì dược liệu có vị đắng và tính bình.

2. Quy kinh

Được quy vào 3 kinh là Tỳ, Vị và Can.

3. Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền:

  • Công dụng: Thăng thanh tán ứ, băng trung huyết lỵ, thanh thử hành thũng, an thần, lợi thấp.
  • Chủ trị: Mất ngủ, tăng huyết áp, di tinh, sốt xuất huyết, chảy máu não, chảy máu cam, nôn ra máu, máu hôi không ra hết sau sinh.

Theo y học hiện đại:

  • An thần
  • Chống co thắt cơ trơn
  • Ức chế loạn nhịp tim
  • Chống choáng phản vệ

4. Cách dùng – liều lượng

Dược liệu lá sen được dùng phổ biến dưới dạng thuốc sắc, có thể kết hợp đa dạng với các vị thuốc khác. Liều được khuyến cáo sử dụng trong 1 ngày là vào khoảng 15 – 20g.

Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu lá sen

Dưới đây là thông tin về một số bài thuốc thông dụng có dùng vị thuốc lá sen:

1. Bài thuốc trị máu hôi không ra hết sau sinh

  • Chuẩn bị: 30g lá sen.
  • Thực hiện: Đem vị thuốc đi sao thơm rồi tán nhỏ. Có thể uống trực tiếp với nước sôi ấm. Hoặc sắc chung với 200ml nước đến khi còn 50ml, uống 1 lần trong ngày.

2. Bài thuốc trị chứng mất ngủ

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị 30g lá sen loại bánh tẻ. Rửa sạch dược liệu rồi thái nhỏ và phơi khô. Cho vào ấm hãm với 200ml nước sôi nóng như hãm trà. Có thể chia làm nhiều lần uống trong 1 ngày.
  • Bài thuốc 2: Cần có 30g lá sen, 30g giảo cổ lam cùng 50g táo mèo. Các vị thuốc này đem cho vào ấm sắc lấy nước bỏ bã. Uống thay nước trà hằng ngày với liều lượng mỗi ngày 1 thang.

3. Bài thuốc chữa bệnh sốt xuất huyết

  • Chuẩn bị: 40g lá sen, 40g cỏ nhọ nồi (có thể dùng ngó sen thay thế), 20g hạt mã đề, 30g rau má.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm sắc lấy nước bỏ bã, uống ngày 1 thang, có thể chia nhiều lần. Trường hợp bị xuất huyết nhiều nên tăng liều của lá và ngó sen lên thành 60g, các vị khác giữ nguyên liều.

4. Bài thuốc chữa chứng di tinh

  • Chuẩn bị: Lá sen khô với liều lượng tùy ý.
  • Thực hiện: Đem vị thuốc đi nghiền thành bột mịn rồi cho vào hũ thủy tinh để bảo quản. Mỗi lần lấy uống 5g với nước sôi ấm. Tần suất sử dụng 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối.

5. Bài thuốc chữa chảy máu não cùng các biến chứng đi kèm ở người bệnh tăng huyết áp

  • Chuẩn bị: 15g lá sen, 12g đỗ trọng, 15g cam thảo, 10g bạch thược, 10g sinh địa, 10g tang ký sinh, 10g mạch môn.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem sắc chung với 1 thăng nước. Thu lấy phân nửa rồi lọc bỏ bã. Chia đều thành 3 lần uống, ngày 1 thang.

6. Bài thuốc chữa băng huyết, tiêu chảy ra máu

  • Chuẩn bị: 40g lá sen tươi, 12g rau má.
  • Thực hiện: Các vị thuốc này đem sao vàng rồi thái nhỏ và cho vào ấm sắc với 400ml. Thu lấy 100ml thuốc, chia làm 2 lần uống, ngày 1 thang.
công dụng của lá sen
Uống trà lá sen giúp dưỡng tâm, an thần, ngủ ngon

7. Bài thuốc chữa chảy máu cam

  • Chuẩn bị: 15g lá sen, 10g lá tre, 2g hoàng liên, 10g mộc thông, 10g đan bì, 5g liên kiều, 6g thanh hao, 3g hoàng cầm, 6g sơn chi cùng 10g rễ cỏ tranh.
  • Thực hiện: Các vị thuốc cho hết vào ấm sắc lấy nước, bỏ bả, uống ngày 1 thang. Bài thuốc phù hợp với những người bị chảy máu cam, mũi khịt khô, miệng hôi, tiểu dắt, đại tiện táo.

8. Bài thuốc chữa váng đầu

  • Chuẩn bị: 10g lá sen, 10g đỗ trọng tươi cùng 6g hạch đào nhân.
  • Thực hiện: Hạch đào nhân đem sao vào rồi giã nát và sắc chung với 2 vị còn lại. Bỏ bã, lấy nước chia đều thành nhiều lần uống, ngày 1 thang. Dùng cho những người bị váng đầu kèm tai ù, mắt hoa.

9. Bài thuốc hỗ trợ giảm béo

  • Bài thuốc 1: Cần có 10g lá sen cùng với 60g gạo lức. Sắc lá sen lấy nước, loại bỏ bã và cho gạo lức vào nấu cháo. Khi cháo chín thì nêm chút đường phèn cho vừa miệng. Chia làm 2 lần ăn vào buổi sáng và buổi tối. Bài thuốc này giúp giải nhiệt, tiêu phù, giảm mỡ, khoan trung…
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị 20g lá sen cùng với 10g hạt ý dĩ, 10g sơn tra tươi, 5g trần bì. Đem các vị thuốc nghiền thành bột rồi cho vào ấm tích nhiệt. Sau đó đổ nước sôi nóng vào hãm trong 15 phút. Dùng uống thay trà mỗi ngày 1 thang. Cần duy trì trong 3 tháng liên tục.
  • Bài thuốc 3: Cần chuẩn bị 15g lá sen, 15g mạch nha, 10g trần bì cùng với 10g sơn tra. Các vị thuốc này cho hết vào ấm sắc lấy lấy nước, bỏ bã, chia đều thành nhiều lần uống, dùng 1 thang/ngày.

10. Bài thuốc chữa đau mắt

  • Chuẩn bị: 10g lá sen, 4g cúc hoa vàng cùng với 10g hoa hòe.
  • Thực hiện: Đem tất cả vị thuốc đi sắc lấy nước, loại bỏ phần bã và chia làm nhiều lần uống, ngày dùng 1 thang. Ngoài tác dụng giảm đau mắt, bài thuốc còn rất phù hợp với bệnh nhân cao huyết áp.

11. Bài thuốc chữa ho ra máu và nôn ra máu

  • Chuẩn bị: 30g lá sen, 30g sinh địa, 30g ngó sen, 20g ngải cứu, 20g trắc bá.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem thái nhỏ rồi phơi khô. Tiếp đến cho vào vấn sắc lấy nước bỏ bã, uống trong ngày mỗi ngày chỉ 1 thang.

12. Bài thuốc trị chứng thổ huyết do tâm vị hỏa thịnh

  • Chuẩn bị: 10g hà diệp, 10g thiên thảo căn, 10g tiểu kế, 10g bạch mao căn, 12g đại kế, 12g trắc bá diệp, 8g chi tử, 8g đại hoàng, 10g mẫu đan bì, 10g tung lư bì.
  • Thực hiện: Các vị thuốc đem sắc bỏ bã, lấy nước uống ngày 1 thang.

13. Bài thuốc chữa sốt cao, co giật ở trẻ em

  • Chuẩn bị: 30g lá sen, 15g sinh địa hoàng, 6g xuyên khung, 10g toàn yết, 30g bạch mao căn, 10g địa long, 10h đương quy, 10g cam thảo, 3g xương bồ cùng 3g ngô công.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem sắc kỹ lấy nước bỏ bã đi. Chia làm nhiều lần uống, cho trẻ uống ngày 1 thang.

14. Bài thuốc trị thấp nhiệt chú hạ

  • Chuẩn bị: 10g lá sen, 10g hoắc hương, 3 con ve sầu, 30g cốc nha, 10g bán hạ chế, 10g phượng lan, 10g lục thần khúc, 30g mạch nha.
  • Thực hiện: Tất cả vị thuốc trên cho vào ấm sắc kỹ lấy nước, bỏ bã. Uống mỗi ngày 1 thang.

15. Bài thuốc chữa gan nhiễm mỡ

  • Chuẩn bị: 20g hà diệp, 20g hạ khô thảo, 20g mạn kinh tử cùng 5 quả ô mai.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm, đổ thêm 1 lít nước. Sắc đến khi còn phân nửa, lọc bỏ bã. Chia làm nhiều lần uống, ngày 1 thang.

16. Bài thuốc dùng cho bệnh nhân cao huyết áp

  • Chuẩn bị: 20g lá sen cùng 15g táo mèo.
  • Thực hiện: Hai vị thuốc trên đem nghiền nhỏ rồi cho vào ấm hãm với nước sôi khoảng 30 phút. Dùng uống thay trà với liều lượng 1 thang/ngày. Bài thuốc đáp ứng tốt với các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt hay đau đầu.

Những lưu ý khi sử dụng lá sen

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, khi sử dụng lá sen, cần chú ý đến các vấn đề sau:

  • Không dùng cho phụ nữ mang thai hay đang trong thời kỳ cho bé bú.
  • Phụ nữ khi đang hành kinh không nên uống nước lá sen.
  • Dùng lá sen lâu dài có thể làm giảm ham muốn tình dục, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sinh lý.
  • Những người thể hàn không nên dùng lâu dài. Các triệu chứng dùng kéo dài dễ gặp là mệt mỏi, tim đập thất thường, giảm trí nhớ.
  • Tránh dùng nước lá sen thay thế nước lọc khi đang sử dụng các thực phẩm giảm cân khác.

Lá sen là vị thuốc rất hữu ích với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe cũng như điều trị bệnh. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, bạn nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để được khuyến cáo về liều dùng cũng như bài thuốc phù hợp. Những thông tin về dược liệu mà bài viết có đề cập đến chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho chỉ dẫn chuyên môn.

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ:

Cà Dại Hoa Vàng

Cà dại hoa vàng là một trong những vị thuốc có công dụng điều trị bệnh được sử dụng phổ biến trong Đông y. Ngoài ra, tại nhiều nước trên…

Xạ đen

Xạ đen là một trong số các loại dược liệu sử dụng trong nhiều bài thuốc, có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh về gan, ưng thư, ổn…
Cây rau má lá rau muống

Cây rau má lá rau muống

Cây rau má lá rau muống là loại cỏ mềm mọc rất nhiều ở các vùng quê, bờ ruộng, bãi hoang... Đặc biệt, Y học cổ truyền còn ghi nhận…

Dây đau xương

Dây đau xương (khoan cân đằng) là vị thuốc Nam quen thuộc. Với công dụng tiêu viêm, thư cân hoạt lạc, khu phong, trừ thấp, dược liệu này thường được…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua