Cỏ dùi trống
Cỏ dùi trống được sử dụng làm thuốc trong Đông y với tên gọi là cốc tinh thảo. Dược liệu này có vị cay, ngọt nhẹ, tính bình giúp làm sáng mắt, điều trị đau đầu, viêm họng, tăng nhãn áp, ho do phong nhiệt.
- Tên khác: Cốc tinh thảo, thiên tinh thảo, cây cỏ đuôi công, cây phật đỉnh châu
- Tên khoa học: Eriocaulon sexangulare L
- Họ: Cốc tinh thảo (Eriocaulaceae)
Mô tả về cây cỏ dùi trống
Đặc điểm của cây thuốc
Cỏ dùi trống là cây thần thảo nhỏ, sống một năm hoặc nhiều năm. Sở dĩ, cây có tên gọi này là do hình dạng bên ngoài của nó nhìn tương tự như cái dùi đánh trống. Loại cỏ này thường phát triển nhờ khí hư của lúa sau khi gặt xong nên được đông y gọi là cốc tinh thảo.
Dưới đây là một số đặc điểm giúp bạn nhận diện được cây thuốc:
- Thân cây: Thân cỏ dùi trống rất ngắn. Phía trên mang nhiều lá.
- Lá: Mọc vòng thành chùm phát tán ra xung quanh thân cây, hình dài, bề mặt nhẵn. Dọc theo lá có nhiều gân.
- Hoa: Mùa hạ và thu chính là thời điểm cốc tinh thảo cho ra hoa nhiều nhất. Hoa có hai loại gồm hoa đực và hoa cái, màu tím hoặc trắng, hình trứng hay hình trụ, có cán với chiều dài dao động từ 10 – 55cm, cạnh sắc, xoắn vặn.
Phân bố
Cỏ dùi trống có tất cả 1207 loài phân bố nhiều nhất ở các nước trong khu vực châu Mỹ có khí hậu nhiệt đới. Chỉ một số loại được tìm thấy trong khu vực ôn đới, ví dụ như Hoa Kỳ, Canada hay Châu Âu.
Cây ưa sống ở những nơi ẩm ướt, có nước nông. Ở nước ta, cỏ tinh thảo thường mọc ở bờ ruộng sau mùa thu hoạch lúa. Nhiều nhất là ở các tỉnh Hải Hưng hay Quảng Ninh.
Bộ phận dùng
Hoa và cán hoa cỏ dùi trống là bộ phận có giá trị dược liệu cao, được sử dụng làm thuốc chữa bệnh trong Đông y.
Thu hái – Sơ chế
Vào mùa hạ và mùa thu cây ra hoa nhiều chính là thời điểm thích hợp để thu hái dược liệu. Hoa và cán hoa được cắt sát đến tận gốc, mang về rửa sạch, phơi ngoài nắng to vài lần hoặc đem sấy cho thật khô để bảo quản được lâu.
Đặc điểm dược liệu
Cụm hoa hình đầu, màu nâu, trên đầu có nhiều lớp vảy nhỏ mà xám trắng, kích thước đường kính khoảng 50 – 80mm, cán dài, thường được cột lại cả bó. Có thể dùng chung hoặc tách riêng hoa và cán. Nếu chỉ dùng hoa thì được gọi là cốc tinh châu. Dùng tay bóp nát hoa rụng ra nhiều hạt nhỏ li ti màu đen.
Bảo quản
Cỏ dùi trống nếu bảo quản không tốt sẽ dễ bị vỡ vụn, nấm mốc làm ảnh hưởng đến tác dụng của dược liệu. Vì vậy cần chú ý bảo quản thuốc nơi khô ráo, mát mẻ, có nhiệt độ tương tương với nhiệt độ phòng. Để dùng được lâu ngày thì nên cất trữ trong hộp có nắp đậy hoặc đóng gói trong túi ni lông.
Tuyệt đối không bảo quản dược liệu ở nơi có độ ẩm không khí cao, trong nhà tắm hoặc gần bồn rửa. Khi thấy có dùi trống có biểu hiện mốc trắng, đổi màu hoặc vụn nát thì tốt nhất không nên dùng.
Thành phần hóa học
Cỏ dùi trống chứa thành phần chính là Carbohydrat.
Vị thuốc cỏ dùi trống
Tính vị:
- Vị cay, ngọt nhẹ
- Tính bình, hơi lạnh
Tác dụng dược lý
Theo Đông y, cỏ dùi trống có tác dụng sơ phong, tán nhiệt, thông tiểu, giảm đau, làm sáng mắt, đánh tan mộng mắt
Chủ trị:
- Các vấn đề về mắt: Đau mắt đỏ, viêm kết mạc, mộng mắt, suy giảm thị lực, quáng gà, mắt kéo màng
- Đau đầu
- Ho do phong nhiệt
- Viêm họng
- Quáng gà
- Viêm lợi
- Đau răng
- Tiêu chảy kèm nôn ói ở trẻ em …
Cách dùng và liều lượng
Liều dùng thông thường của dược liệu cỏ dùi trống được khuyến cáo là 9 – 13g mỗi ngày. Có thể dùng theo các dạng:
- Sắc uống
- Tán bột làm cao dán hoặc pha nước uống
Độc tính
Không có
Các bài thuốc chữa bệnh dùng cỏ dùi trống
1. Chữa viêm họng
- Chuẩn bị: 10g cỏ dùi trống, củ giẻ quạt và cam thảo đất mỗi vị 12g, bồ công anh 16g
- Cách dùng: Sắc kỹ, gạn lấy nước uống
2. Điều trị viêm kết mạc, màng mộng mắt
– Bài 1:
- Chuẩn bị: Cỏ dùi trống 60g, bách chi 60g
- Cách dùng: Tán cả 2 thành bột mịn, bảo quản trong lọ kín. Khi dùng lấy 10g bột hòa với nửa bát nước cơm uống trước khi ăn sáng và tối khoảng 30 phút.
– Bài 2:
- Chuẩn bị: 30g cỏ dùi trống, 30g bột vỏ sò lông, 200g gan heo
- Cách dùng: Gan heo làm sạch, xắt mỏng, trụng qua nước sôi rồi ướp với chút hạt nêm. Hai vị thuốc bắc đem tán bột. Cuối cùng đem tất cả nấu chung với 200ml nước lọc trong thời gian 30 phút, nêm thêm chút gia vị cho hợp khẩu vị rồi tắt bếp. Chia ăn ngày 2 lần vào bữa sáng và bữa tối.
– Bài 3:
- Chuẩn bị: 9g cỏ dùi trống, 9g phòng phong
- Cách dùng: Cho thuốc vào ấm sắc với 2 chén nước cho cô đặc còn một nửa. Uống khi thuốc còn ấm, mỗi ngày 1 thang.
3. Điều trị bệnh đau mắt đỏ
– Bài 1:
- Chuẩn bị: 9g cỏ dúi trống, 9g lệ thực, 9g thược dược, 9g phục long, 6g lăng du, 6g kinh giới, 6g đinh phụ và 3g cam thảo
- Cách dùng: Sắc chung tất cả với 1 lít nước, để lửa nhỏ liu riu khoảng 20 phút. Gạn uống nhiều lần cho hết. Thuốc sắc ngày nào nên uống hết ngày đó, qua hôm sau sắc thang mới. Nếu hợp cơ địa, sau 2 – 3 ngày chứng đau mắt đỏ sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên nếu bệnh không bớt thì nên đi khám lại để điều trị bằng phương pháp khác hiệu quả hơn.
– Bài 2:
- Chuẩn bị: Cỏ dùi trống, lá dâu, cam thảo đất mỗi vị 10g, đậu xanh 20g
- Cách dùng: Sắc thuốc cùng 0,5 lít nước trong 30 phút. Gạn ra chia uống 2 lần.
– Bài 3: Dùng cho trường hợp bị đau mắt đỏ kéo màng
- Chuẩn bị: Cỏ dùi trống 20g, lăng du 10g, ngưu bàng 8g, bạch phục linh 8g, thược dược 8g, kinh giới 8g, địa hoàng 8g, mộc thông 8g, hồng hoa 8g, cam thảo 8g.
- Cách dùng: Các vị thuốc cho vào chảo nóng sao qua, tán thành bột mịn. Mỗi ngày dùng 3 – 6g bằng cách pha chung với nước ấm uống.
4. Chữa đau đầu
– Bài 1:
- Chuẩn bị: 10g cỏ dùi trống, 15g thổ cam thảo, 20g lá dâu, 16g bông sứ
- Cách dùng: Tất cả hợp thành một thang. Dùng dưới dạng sắc uống.
– Bài 2:
- Chuẩn bị: 9g địa long, 3g hắc lục hương, 6g cỏ dùi trống
- Cách dùng: Tất cả tán bột, trộn lẫn với nhau cho đều. Khi dùng lấy một lượng bộ cỡ hạt gạo đốt và hít khói bốc lên.
– Bài 3:
- Chuẩn bị: 30g cốc tinh thảo, 50g bột củ khương vu ( dong riềng )
- Cách dùng: Cốt tinh thảo tán bột rồi trộn lẫn với vị thuốc còn lại, thêm một lượng nước vừa đủ để điều chế thành một hỗn hợp đặc sệt. Lấy thuốc phết mỏng vào tờ giấy trắng dán vào khu vực đau. Khi thuốc khô hẳn mới lột ra.
5. Chữa đau đầu, đau nhức ở lông mày
- Chuẩn bị: 8g cỏ dùi trống, 12g hàn hán ( giun đất ), 4g nhũ hương.
- Cách dùng: Tất cả giã nhỏ. Khi dùng lấy 4g đốt cháy rồi hít phần khói vào lỗ mũi bên phía bị đau.
6. Điều trị bệnh tăng nhãn áp ( thiên đầu thống )
- Chuẩn bị: Cây cỏ dùi trống khô
- Cách dùng: Tán thuốc thành bột mịn, trộn chung với hồ sao cho được hỗn hợp đặc sệt, đắp vào khu vực bị đau.
7. Điều trị ho do phong nhiệt
- Chuẩn bị: Vỏ rễ cây dâu và cam thảo đất mỗi vị 12g, cỏ dùi trống 10g và lá dâu 16g
- Cách dùng: Sắc lấy nước chia 3 lần uống vào buổi sáng, trưa, tối. Mỗi ngày 1 thang.
8. Chữa mờ mắt, suy giảm thị lực
- Chuẩn bị: Hạt muồng và kỷ tử mỗi loại 12g, cỏ dúi trống 10g
- Cách dùng: Đem cả 3 vị đã chuẩn bị sắc với 500ml cho cô đặc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang.
9. Chữa cảm mạo do phong tà không ra mồ hôi, cảm cúm
- Chuẩn bị: 30 – 50g cỏ dùi trống
- Cách dùng: Sắc lấy nước đặc uống khi còn nóng. Kết hợp đắp chăn để ra mồ hôi nhiều sẽ nhanh khỏi bệnh hơn.
10. Điều trị bệnh quáng gà ở trẻ em
- Chuẩn bị: 150g phổi dê, 30g cốc tinh thảo
- Cách dùng: Phổi rửa sạch, cắt miếng vừa ăn, trần qua nước sôi rồi ướp với gia vị cho vừa miệng. Cả hai đem nấu chung thành canh ăn liên tục trong 7 ngày. Nên cho trẻ dùng khi còn nóng.
11. Điều trị bệnh đục thủy tinh thể
- Chuẩn bị: 50g cỏ dùi trống, 50g ngao biển và 50g sò huyết
- Cách dùng: Các nguyên liệu đã chuẩn bị đem sao khô, tán nhỏ rồi nấu chung với 100g gan lợn. Ăn cả cái lẫn nước, dùng vào buổi tối.
12. Chữa nhức đầu, đau mắt, phong nhiệt
- Chuẩn bị: 20g cốc tinh thảo, 10g dành dành, 10g đinh phụ ( mộc thông ), 8g mật đất, 10g kinh giới, 16g huyền sâm.
- Cách dùng: Tất cả cho vào ấm nấu với 400 ml nước sạch. Khi nước sôi vặn nhỏ lửa cho đến khi cô đặc còn 100 ml. Chia uống mỗi ngày 2 lần khi thuốc còn ấm.
13. Trị cam tích, mờ mắt, mắt đỏ và sợ ánh sáng cho trẻ em
- Chuẩn bị: 60g gan lợn, 60g cỏ dùi trống
- Cách dùng: Gan lợn sơ chế sạch sẽ rồi đem nấu chung với cỏ dùi trống trong 30 phút. Gạn nước cho trẻ uống lúc thuốc còn ấm.
14. Điều trị viêm lợi, đau nhức chân răng
- Chuẩn bị: 30g cốc tinh thảo, 15g quốc lão
- Cách dùng: Cả hai vị thuốc đem sắc với 3 bát nước lấy 1 bát. Chia uống 2 lần vào buổi sáng và tối. Dùng liền 3 – 5 ngày để bệnh có sự khởi sắc rõ rệt.
15. Chữa chảy máu cam không ngừng
- Chuẩn bị: Cốc tinh thảo khô
- Cách dùng: Tán thuốc thành bột mịn. Khi vị chảy máu cam mà không cầm được, lấy 6g uống chung với nước miến sắc.
16. Chữa say nắng, miệng khát, nôn ói kèm tiêu chảy, trong người bồn chồn khó chịu ở trẻ em
- Chuẩn bị: Cây cỏ dùi trống
- Cách dùng: Đem thuốc sao cháy hoặc đốt thành than, hạ thổ, tán mịn. Mỗi lần lấy 2g pha với nước cơm nguội uống.
17. Trị khô mắt, quáng gà
- Chuẩn bị: 20g cỏ dùi trống, 8g khởi tử, 10g cúc hoa vàng, 10g cửu khổng hoa và 20g vỏ hến nung.
- Cách dùng: Tất cả phơi khô, nghiền thành bột mịn. Người trưởng thành mỗi ngày dùng 12g, trẻ em dùng 4 – 5g. Pha với nước ấm uống.
Lưu ý khi dùng cỏ dùi trống
- Sử dụng dược liệu chữa đúng bệnh, đúng liều lượng
- Không dùng cỏ dùi trống khi bạn bị dị ứng với dược liệu này
- Bà bầu, phụ nữ đang cho con bú, người đang được điều trị bằng thuốc tây hay các loại thuốc thảo dược khác nên tham khảo qua ý kiến thầy thuốc trước khi dùng
- Tránh dùng cho các đối tượng không có phong nhiệt
- Cỏ dùi trống kỵ sắt. Vì vậy, tránh uống bổ sung thuốc sắt hoặc ăn các thực phẩm giàu sắt trong quá trình điều trị bằng dược liệu.
Bạn có thể tham khảo thêm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!