Bạch đậu khấu
Bạch đậu khấu có tính ấm vị cay có tác dụng làm ấm dạ dày, hành khí,… thường dùng để điều trị các bệnh lý như chán ăn, cảm lạnh, đau họng, ợ hơi hoặc co thắt bụng, đau họng,… Ngoài ra, thuốc còn dùng để làm tăng hưng phấn khi quan hệ tình dục và cải thiện các vấn đề về mật và thận.
+ Tên khác: Bạch khấu xác, bà khấu, đới xác khấu, xác khấu (Bản thảo cương mục), đông ba khấu. đậu khấu, khấu nhân, bạch khấu nhân, đa khấu, tử đậu khấu (Đông dược học thiết yếu)
+ Tên khoa học: Amomum Repens Sonner
+ Tên tiếng Anh: Cardamom
+ Họ: Zingiberaceae
I. Mô tả bạch đậu khấu
+ Đặc điểm sinh thái của bạch đậu khấu
Cây bạch đậu khấu có chiều cao khoảng 2 – 3 m. Thân rễ nằm ngang, to bằng ngón tay. Lá có hình dải hoặc mũi mác, nhọn hai đầu, có chiều dài 55 cm và rộng 6 cm. Bề mặt trên của lá nhẵn và mặt dưới có lông rải rác. Cụm hoa mọc ở gốc của thân mang lá có chiều dài khoảng 40 cm. Cuống chung của cụm hoa ngắn, mỗi cuống mang khoảng 3 – 5 hoa. Hoa bạch đậu khấu thường có màu trắng tím. Quả có hình cầu dẹt, 3 múi và có đường kính từ 1 – 1,5 cm. Mặt ngoài quả có màu trắng và cò vân dọc. Mỗ quả có chứa từ 20 – 30 hạt, được gọi là khấu nhân hoặc khấu mễ có chứa nhiều tinh dầu.
+ Phân bố
Bạch đậu khấu có thể tìm thấy ở Nam Mỹ, Thái Lan, Campuchia, Xri Lanca. Còn ở Việt Nam, cây mọc tự nhiên và được trồng chủ yếu ở các khu vực có khí hậu mát lạnh như Cao Bằng và Lào Cai.
+ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
- Bộ phận dùng làm thuốc: Quả và hoa bạch đậu khấu
- Thu hái: Nên hái quả còn ở giai đoạn màu xanh chuyển sang màu vàng. Thời gian thu hoạch thích hợp thường vào mùa thu
- Chế biến: Sau khi thu hái xong đem quả đậu khấu phơi khô trong bóng râm
- Bảo quản: Nơi khô thoáng
+ Thành phần hóa học
Trong bạch đậu khấu có chứa khoảng 2,4% tinh dầu bao gồm các thành phần hóa học chính như caryophyllene, bomeol, carvone, eucalyptole, terpinene, humulene, sabinene, laurelene, camphor, pinene, myrtenal
II. Vị thuốc
+ Tính vị
- Tính ấm và vị cay theo Đông dược học thiết yếu
- Tính nóng và vị cay theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển
+ Quy kinh
Tác dụng vào kinh Vị, Tỳ và Phế
+ Tác dụng dược lý
Theo Đông y, bạch đậu khấu có tác dụng điều trị các triệu chứng như
- Ấm dạ dày
- Hành khí
- Chống nôn
- Trừ hàn
- Tiêu thực
- Chữa đau bụng
- Giã rượu
- Nôn mửa
- Đau dạ dày
- Khó tiêu
- Tiêu chảy
Không chỉ riêng Đông y, các nghiên cứu Y học hiện đại cũng đã chỉ rõ các hoạt chất chứa trong bạch đậu khấu có tác dụng:
- Trị hơi thở hôi và ngăn ngừa bệnh sâu răng: Một nghiên cứu tiến hành bởi Bộ Vi sinh vật tại Đại học Kurukshetra (Ấn Độ) đã cho thấy, cineole có trong bạch đậu khấu có tác dụng kháng khuẩn, chống lại vi khuẩn răng miệng như Candida albicans và Streptococcus mutans. Hơn nữa, hoạt chất này còn có tác dụng khử trùng mạnh giúp tiêu diệt vi khuẩn gây hôi miệng, ngăn ngừa bện sâu răng.
- Ngăn ngừa bệnh ung thư: Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Dược Thực phẩm vào năm 2012 cho biết, bột bạch đậu khấu có thể sử dụng làm thực phẩm chức năng giúp ngăn ngừa tế bào biến tính thành ung thư. Đồng thời giúp làm chậm quá trình hình thành ung thư ruột kết và ung thư da.
- Chữa đái tháo đường: Bạch đậu khấu chứa lượng lớn mangan mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời đối với bệnh nhân đái tháo đường.
- Giúp hạ huyết áp an toàn: Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hóa sinh & Sinh học Ấn Độ do các nhà khoa học trường Cao đẳng Y Ấn Độ cho biết, bột đậu khấu có tác dụng làm hạ huyết áp tâm trương và tâm thu một cách an toàn.
+ Cách dùng và liều lượng
Dùng dưới dạng thuốc sắc và thuốc bột. Liều dùng tối đa mỗi ngày từ 2 – 6 gram
+ Tác dụng phụ
Bạch đậu khấu có thể gây các tác dụng phụ cụ thể như:
- Viêm da tiếp xúc: Những đối tượng nhạy cảm với thành phần của bạch đậu khấu nếu tiếp xúc thường xuyên rất dễ bị viêm da tiếp xúc
- Đau bụng mật: Bạch đậu khấu chứa các thành phần có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa làm tăng triệu chứng của đau bụng mật
- Rối loạn tiêu hóa
- Tiêu chảy, nôn mửa hoặc buồn nôn
Ngoài ra, thuốc còn gây các phản ứng phụ khác, tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Vì vậy, khi thấy cơ thể xuất hiện biểu hiện bất thường sau dùng thuốc, người bệnh nên ngưng sử dụng và đến bệnh viện kiểm tra.
III. Bài thuốc chữa bệnh từ bạch đậu khấu theo kinh nghiệm dân gian
+ Điều trị chán ăn và bụng đầy trướng do lạnh
Sử dụng 6 gram bạch đậu khấu, 3 gram trần bì, 3 gram hậu phác và 3 gram thương truật. Cho tất cả các nguyên liệu vào nồi, thêm 400 ml nước và đun sôi. Chia thuốc làm 3 và uống trong ngày. Dùng liên tục 3 ngày để đạt được kết quả cao.
+ Trị đau bụng do lạnh nên khí trệ
Dùng 6 gram bạch đậu khấu, 4 gram cam thảo, 8 gram hậu phác và 4 gram quảng mộc hương sắc chung với 500 ml nước. Chia thuốc uống 3 lần trong ngày. Nên uống liên tục trong 3 ngày.
+ Chữa lợm giọng buồn nôn, bụng sôi
Sử dụng 3 gram bạch đậu khấu, 3 gram gừng tươi, 9 gram trúc nhựa và 3 quả đại táo. Gừng tươi đem rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt. Các dược liệu khác sau khi sắc chung với 200 ml cạn còn 50 ml, lọc lấy nước thuốc rồi trộn đều với nước gừng và uống.
+ Điều trị chứng hôi miệng
Ngậm bạch đậu khấu trong miệng vào mỗi buổi sáng sớm giúp làm giảm chứng hôi miệng.
+ Chữa đột ngột buồn nôn hoặc ngột ngạt khó chịu ở tim theo Trửu Hậu Phương
Nhai vài hạt đậu khấu mỗi khi triệu chứng bệnh xuất hiện.
+ Điều trị trẻ bị ọc sữa do vị hàn
Sử dụng súc sa nhân và bạch đậu khấu, mỗi vị 15 hạt cùng với chích cam thảo và cam thảo, mỗi vị 8 gram đem tán thành bột mịn và trộn chung với mật ong. Sử dụng hỗn hợp này xát vào miệng trẻ.
+ Trị ăn vào mửa ra hoặc vị hư hàn sinh ra nôn mửa theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển
Sử dụng bạch đậu khấu, hoắc hương, gừng sống và quất bì sắc thuốc uống.
+ Chữa ngực đầy tức do thấp trọc uất ở thượng tiêu hay khí cơ trở trệ theo Tâm Nhân Thang – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách
Sử dụng 6 gram bạch đậu khấu, 12 gram hạn nhân, 16 gram hoạt thạch, 12 gram bán hạ, 20 gram dĩ nhân, 12 gram trúc diệp, 8 gram thông thảo. Sắc uống.
+ Điều trị nôn mửa do vị hàn theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách
Dùng 20 gram đậu khấu đem tán bột và thêm một muỗng nước cốt gừng, trộn đều và vo thành viên. Mỗi ngày uống 0,8 – 2 gram.
+ Giải rượu
Sử dụng 5 gram cam thảo và 5 gram bạch đậu khấu sắc chung với 450 ml nước. Sau khi nước sôi chia làm 3 và uống trong ngày.
Một số lưu ý khi sử dụng bạch đậu khấu trị bệnh
Khi sắc thuốc bạch đậu khấu, để hạn chế tình trạng dược liệu sắc lâu làm giảm tác dụng, khi thuốc sắc vừa sôi bệnh nhân hãy cho bạch đậu khấu vào. Ngoài ra, những đối tượng mắc bệnh táo bón hoặc cơ địa nhiệt hay bị thiếu máu, tốt nhất không nên dùng nguyên liệu tự nhiên này điều trị bệnh. Ngoài ra, không nên sử dụng bạch đậu khấu điều trị bệnh ở trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú.
Những thông tin về bạch đậu khấu nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không tự ý dùng, tránh thuốc gây tác dụng phụ.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!