Dền cơm
Rau dền cơm vị ngọt, tính hàn, được biết đến với tác dụng trị táo bón, bỏng da, viêm họng, vôi hóa cột sống… Mặc dù rất lành tính nhưng khi sử dụng bạn cần chú ý một số vấn đề dưới đây để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Tên khác: Rau dền cơm, dền trắng, dền xanh
- Tên khoa học: Amaranthus viridis
Mô tả về rau dền cơm
Dền cơm là một loại rau được sử dụng phổ biến trong các bữa ăn của gia đình Việt. Bạn có thể dùng rau dưới dạng luộc, nấu canh hoặc chế biến thành nhiều món khác nhau. Ngoài công dụng làm thực phẩm, đây còn là dược liệu có nhiều tác dụng trị bệnh quý.
Đặc điểm thực vật
- Dền cơm thuộc dạng thân thảo, mọc thẳng, thân mọng nước, màu xanh. Từ thân có thể phát triển ra nhiều cành nhỏ
- Lá đơn, có nhiều kích thước to nhỏ khác nhau, mọc so le. Hai bên mép lá nhẵn, 1 đầu hơi nhọn
- Hoa mọc thành cụm, đơn tính hoặc lưỡng tính, có 4- 5 cánh nhỏ
- Hạt rau dền cơm nhỏ được bao bọc trong một lớp vỏ sừng. Khi rơi xuống đất, hạt có thể bị chôn vùi một thời gian dài mới nảy mầm.
- Cây có bộ rễ khỏe, ăn sâu và bám chắc vào lòng đất để hút chất dinh dưỡng cũng như nước duy trì sự sống cho cây.
Phân bố
Rau dền cơm có thể thích nghi với cả điều kiện khí hậu ôn đới lẫn nhiệt đới. Loại rau này có nguồn gốc ở các vùng Trung và Nam Mỹ.
Cây ưa phát triển ở những nơi có độ ẩm cao, khoảng 23 – 30 độ C. Ở nước ta, rau dền có thể mọc hoang ở cả miền núi lẫn đồng bằng. Từ lâu nó đã được sử dụng làm thực phẩm nên được trồng rộng rãi ở nông thôn và các nhà vườn.
Bộ phận dùng
Toàn bộ rễ, thân, lá và hạt rau dền đều được dùng làm thuốc chữa bệnh
Thu hái
Chu kỳ phát triển của dền cơm tương đối ngắn. Thông thường sau khi gieo được 3 – 4 ngày hạt bắt đầu nảy mầm và có thể thu hoạch sau đó khoảng 25 – 30 ngày. Nếu muốn lấy hạt thì phải chờ thời gian lâu hơn, sau khoảng 2 tháng.
Rễ, thân và lá rau dền được thu hái về rửa sạch, để ráo nước dùng tươi. Riêng hạt có thể dùng tươi hoặc đem phơi khô tích trữ dùng dần.
Thành phần hóa học
Trong thành phần của rau dền cơm chứa:
- Vitamin: A, B1, B2, C, PP
- Axit amin
- Tinh bột
- Đạm thực vật
- Nước
- Chất béo
- Chất xơ
- Lysin
- Sắt
- Magie
- Phốt pho
- Mangan
- Kali
- Canxi
- Niacin
Vị thuốc dền cơm
Tính vị:
Vị ngọt, tính hàn
Dền cơm có tác dụng gì?
Theo y học cổ truyền, dền cơm có công dụng giải nhiệt, làm mát gan, nhuận tràng, thông tiểu, lợi khí, trừ thấp, khai khiếu. Mỗi bộ phận của cây được dùng với mục đích trị bệnh khác nhau:
- Thân cây được dùng làm thuốc trị bỏng nhẹ, làm tiêu mụn nhọt, lợi sữa
- Lá kích thích tiêu hóa, điều trị táo bón, long đàm, giảm ho, viêm họng và một số vấn đề về đường hô hấp
- Hạt làm thuốc đắp trị gãy xương, băng bó chấn thương
Cách dùng và liều lượng
Dền cơm được dùng theo cách sắc uống, đắp ngoài da. Liều lượng được điều chỉnh tùy theo bệnh lý mắc phải.
Món ăn bài thuốc chữa bệnh có dền cơm
+ Điều trị chứng ứ huyết, trật đả
- Chuẩn bị: 10 – 15g cây dền cơm, dùng toàn thân cây
- Cách dùng: Rửa sạch rau dền rồi nấu nước uống tương tự như bài trên
+ Chữa nóng trong, mắt kém
- Chuẩn bị: Hạt muồng, hạt rau dền cơm, hoa mào gà mỗi vị 12g
- Cách dùng: Sắc nước đặc uống hết trong ngày, mỗi ngày 1 thang.
+ Chữa mụn nhọt nhẹ, chưa bị vỡ
- Chuẩn bị: Một ít rễ dền cơm
- Cách dùng: Rửa sạch đất cát bám vào rễ dền rồi khử trùng bằng cách ngâm trong nước muối pha loãng 20 phút. Giã nát, đắp trực tiếp lên khu vực bị mụn ngày 2 – 3 lần.
+ Trị bỏng da ở mức độ nhẹ
- Chuẩn bị: Thân và lá cây dền cơm
- Cách dùng: Giã nát nguyên liệu đã chuẩn bị rồi đắp lên chỗ bị bỏng ngày 2 lần để tổn thương mau khô miệng và kéo da non.
+ Chữa vôi hóa cột sống, thoái hóa cột sống
- Chuẩn bị: Cây dền cơm, cỏ xước, lá lốt và tầm gửi mỗi loại 30g, cây chìa vôi 50g
- Cách dùng: Trước tiên đem các nguyên liệu gồm cỏ xước, chìa vôi và tầm gửi nấu với 2 lít nước. Đợi cho nước trong nồi sôi thì mới thả rau dền và lá lốt vào nấu thêm khoảng 5 phút nữa thì ngưng. Chờ cho nước nguội gạn ra uống nhiều lần thay cho nước lọc
+ Chữa bệnh lỵ
- Cách 1: Dùng thân và lá dền cơm 50g, mã xì hiện ( rau sam ) 30g nấu canh chung với nhau ăn hàng ngày cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn.
- Cách 2: Sắc thân và lá rau dền cơm uống. Liều dùng mỗi ngày là 100g.
+ Chữa ho có đờm
- Cách 1: Dùng 100g thân và lá rau dền cơm xay lấy nước uống
- Cách 2: Kết hợp 50g thân, lá rau dền với 16g cam thảo đất, lá bồng bồng và kim ngân hoa mỗi loại 20g thành một thang thuốc. Mỗi ngày sắc 1 thang lấy nước đặc chia uống 3 lần.
- Cách 3: Chuẩn bị 50g lá và thân dền gai phối hợp cùng cam thảo đất, vỏ rễ dâu tằm và lá húng chanh mỗi vị 16g. Sắc uống liên tục trong 5 – 7 ngày, mỗi ngày 1 thang chia làm 2 lần uống.
+ Điều trị viêm da có mủ
- Chuẩn bị: Toàn thân dền cơm, bao gồm cả rễ, thân và lá
- Cách dùng: Cho nguyên liệu đã chuẩn bị vào cối giã nát làm thuốc đắp lên khu vực cần điều trị.
+ Trị nổi mẩn ngứa ngoài da sau khi tiếp xúc với rơm rạ
- Chuẩn bị: Rau dền cơm, mã xì hiện, lá hẹ mỗi thứ một ít lượng bằng nhau
- Cách dùng: Làm sạch và lau khô vùng da bị bệnh. Giã thuốc rồi đắp vào khu vực bị nổi mẩn ngứa mỗi ngày 3 lần.
+ Trị ong đốt hoặc bị rết cắn
- Chuẩn bị: Rau dền cơm tươi
- Cách dùng: Giã nát dền cơm rồi đắp vào khu vực bị tổn thương
+ Bồi bổ sức khỏe cho trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: 1 nắm rau dền cơm, 100g tôm, 200g gạo
- Cách dùng: Tôm lột vỏ, bỏ chỉ đen, lấy thịt băm nhỏ. Rau dền rửa sạch, cắt nhuyễn. Hầm gạo nhừ, cho tôm vào, nêm nếm gia vị vừa miệng. Cuối cùng đảo rau dền vào nấu sôi trở lại rồi tắt bếp. Cho trẻ ăn 3 – 4 bữa một tuần giúp bổ sung nhiều vitamin A, C , D, canxi hỗ trợ phát triển trĩ não và chiều cao của trẻ.
+ Điều trị tăng huyết áp do can dương thượng cang ( còn gọi là can hỏa vượng )
- Chuẩn bị: Cây dền cơm 100g, rau đay 50g, cua đồng xay
- Cách dùng: Lọc riêu cua dùng nấu chung với rau đay và rau dền thành canh ăn
+ Giải nhiệt, trị nóng trong, kích thích tiêu hóa
- Chuẩn bị: Rau dền cơm 100g, rau đay và rau dệu mỗi thứ 50g, tôm ( hoặc cua ) 100g
- Cách dùng: Nấu canh ăn mỗi tuần vài lần
+ Trị táo bón, nhuận tràng
Cách 1:
- Chuẩn bị: 100g rau dền cơm, 100g tôm khô hoặc nõn tôm tươi
- Cách dùng: Nõn tôm bằm nhuyễn đem nấu canh cùng rau dền ăn cách ngày một bữa
Cách 2:
- Chuẩn bị: 1 nắm rau dền cơm, dầu vừng hoặc mè đen
- Cách dùng: Rau dền đem luộc chín rồi trộn chung với 2 thìa dầu vừng ( hoặc mè đen ). A9n món này kèm với cơm rất tốt cho các trường hợp bị táo bón, khó đi cầu.
+ Điều trị bệnh sỏi thận
- Chuẩn bị: 12g rễ rau dền cơm, 12g nhũ hương đằng (kim tiền thảo), 12g mã đề, 12g rễ cây hoa thiên lý, 12g rễ cỏ tranh, 20g vỏ bí đao và 12g đậu đen.
- Cách dùng: Sắc uống 1 liệu trình 10 ngày liên tục. Kiểm tra lại nếu sỏi vẫn chưa được đánh tan hoàn toàn thì nghỉ vài ngày rồi uống tiếp liệu trình mới.
+ Lợi tiểu, kích thích tiểu tiện
- Chuẩn bị: 20g hạt dền cơm
- Cách dùng: Nấu nước uống
+ Điều trị bệnh viêm họng, cổ họng sưng đau
- Chuẩn bị: 1 nắm thân và lá cây rau dền cơm, 1/4 thìa cà phê muối ăn, 2 lát gừng tươi
- Cách dùng: Nhai cả gừng và rau dền với muối. Nuốt nước từ từ cho trôi xuống cổ họng, nhả bã. Áp dụng mỗi ngày 2 lần sẽ giúp cổ họng dễ chịu hơn.
+ Trị đau mắt có màng mộng
- Chuẩn bị: 10g hạt dền cơm, 10g hạt thảo quyết minh
- Cách dùng: Đem hai nguyên liệu trên sắc cùng 3 bát nước. Khi nước sôi vận nhỏ lửa tiếp tục đun cho đến khi cạn còn 1 chén. Gạn thuốc chia uống 2 lần trong ngày cho đến khi mắt không còn đau và kéo màng.
Kiêng kỵ khi dùng rau dền
- Người bị dị ứng với rau dền cơm không nên dùng: Hiếm khi rau dền gây dị ứng. Tuy nhiên, trước đó nếu bạn từng bị nổi mẩn, ngứa ngáy, khó chịu sau khi ăn loại rau này thì không nên dùng nó làm thuốc chữa bệnh.
- Rau dền có tính mát nên người thuộc thể hàn, bà bầu bị hư hàn , người đang bị tiêu chảy không được khuyến khích dùng rau dền dưới bất cứ hình thức nào.
- Nghiên cứu cho thấy, thành phần acid oxalic trong rau dền có thể gây cản trở khả năng hấp thu canxi và kẽm trong cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi oxalate. Vì vậy, bệnh nhân bị gout, sỏi thận, viêm khớp dạng thấp nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng dền cơm với tần suất liên tục trong thời gian dài.
- Rau dền cơm chế biến chung với thịt ba ba có thể gây ngộ độc. Tránh kết hợp chúng chung với nhau hoặc sử dụng cùng thời điểm.
- Các món ăn bài thuốc từ rau dền cơm sau khi chế biến xong nên dùng ngay hoặc sử dụng hết trong ngày. Không nên hâm lại nhiều lần vì thành phần nitrat trong lá rau dền có thể chuyển hóa thành nitrit – một chất có khả năng gây ung thư.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!