Bí kỳ nam
Bí kỳ nam còn được gọi với tên thông dụng khác là cây tổ kiến. Loại dược liệu này thường dùng làm vị thuốc chữa bệnh về gan, đau nhức xương khớp, đau bụng, đồng thời còn hỗ trợ tăng cường chức năng thận. Ở nước ta, cây chỉ được tìm thấy ở các tỉnh phía Nam, nhất là vùng Tây Nguyên.
- Tên gọi khác: Cây tổ kiến, Kỳ nam kiến, Kiên lỳ nam, Kỳ nam gai…
- Tên khoa học: Hydnophytum formicarum Jack.
- Họ: Cà phê (Rubiaceae).
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Bí kỳ nam là một giống cây phụ sinh, cộng sinh với kiến. Thân cây phình to thành củ lớn với mặt ngoài sần sùi. Lá cây mọc đối nhau, đầy lá tù, gốc thuôn. Phần phiến lá lớn và nhẵn bóng. Các lá kèm thường có xu hướng rụng sớm.
Hoa màu trắng, không có cuống, mọc tụ thành 4 – 5 cái ở ngay nách lá. Mùa hoa rơi vào khoảng từ tháng 12 đến tháng 1. Quả nhỏ, có hình trụ hơi dài, khi quả chín có màu da cam.
2. Bộ phận dùng
Thân cây (phần phình to ra) chính là bộ phận của cây bí kỳ nam được sử dụng làm vị thuốc.
3. Phân bố
Ở nước ta, cây bí kỳ nam thường chỉ thấy mọc ở các tỉnh phía nam, điển hình nhất là các tình ở Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông…
4. Thu hái và sơ chế
Dược liệu được thu hái quanh năm. Lấy nguyên phần thân phình to đem đi rửa thật sạch rồi chẻ đôi ra để rũ hết kiến bên trong ra. Sau đó đem đi thái thành lát mỏng rồi phơi khô làm vị thuốc.
5. Bảo quản
Dược liệu nếu đã được sơ chế khô cần cho vào túi kín và bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc, mối mọt.
6. Thành phần hóa học
Trong dược liệu có nhiều các loại muối vô cơ, chủ yếu là hoạt chất ancaloit.
Vị thuốc bí kỳ nam
1. Tính vị
Dược liệu có vị ngọt nhẹ và tính bình.
2. Qui kinh
Chưa tìm thấy tài liệu ghi nhận.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
- Công dụng: Tiêu viêm kháng sinh, lợi tiểu, sát trùng.
- Chủ trị: Viêm gan, vàng da, đau gan, đau nhức xương khớp, thấp khớp, bong gân, tiêu chảy…
Theo y học hiện đại:
Công dụng chữa bệnh của dược liệu đa phần là do 2 thành phần dược tính sau mang lại:
- Hoạt chất ancaloid: Có tác dụng cắt nhanh chóng cơn đau, nhờ vậy mà được sử dụng để giảm đau và chống sưng tấy.
- Thành phần flavonoid: Giúp bảo vệ gan và chống lại các tác nhân độc hại gây tổn thương gan, suy hóa tế bào gan. Đồng thời hỗ trợ phục hồi lại chức năng gan bị thương tổn.
- Ngoài ra, dược liệu còn được cho là có thể hỗ trợ kháng khuẩn, chống viêm, chống độc, chống oxy hóa, ngăn ngừa xơ vữa động mạch…
4. Cách dùng – liều lượng
Dược liệu bí kỳ nam thường được sử dụng dưới dạng thuốc sắc với liều khuyến cáo cho một ngày là khoảng từ 6 – 12g. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng bài thuốc cùng với sự kết hợp vị thuốc khác mà có thể điều chỉnh cho phù hợp.
Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu bí kỳ nam
Sau đây là những bài thuốc thông dụng có chứa vị thuốc bí kỳ nam:
1. Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan B
- Bài thuốc 1: Chỉ cần chuẩn bị 50g bí kỳ nam khô. Cho vào ấm sắc chung với 1,5 lít nước trên lửa nhỏ tới lúc còn 1 lít. Dùng uống trong ngày với liều lượng 1 thang/ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị 80g bí kỳ nam, 20g diệp hạ châu, 20g hậu phác nam cùng 20g hạ khô thảo. Các vị thuốc này đem sắc với 1,5 thăng nước đến khi còn 500ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày vào thời điểm trước bữa ăn khoảng 1 tiếng đồng hồ.
2. Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp
- Chuẩn bị: 40g bì kỳ nam, 30g ngũ gia bì, 30g cốt toái bổ, 20g rễ trinh nữ cùng 1 lít rượu trắng 40°.
- Thực hiện: Các vị thuốc cho hết vào bình thủy tinh rồi đổ ngập rượu lên ngâm trong ít nhất 10 ngày. Khi dùng lấy ra khoảng 10ml uống vào trước bữa ăn, mỗi ngày chỉ uống 1 lần duy nhất.
3. Bài thuốc chữa đau gan, vàng da, viêm gan
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị khoảng 80g bí kỳ nam, 20g chó đẻ, 20g hậu phác nam cùng 20g hạ khô thảo. Sắc lấy nước uống trong ngày, mỗi ngày chỉ dùng 1 thang.
- Bài thuốc 2: Cần có 40g bí kỳ nam, 10g thảo quyết minh, 15g nhân trần, 10g atiso. Cho hết vị thuốc vào ấm sắc cùng 500ml nước để lấy 100ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày vào trước bữa ăn 1 giờ. Cần duy trì mỗi ngày 1 thang thuốc trong khoảng từ 10 – 15 ngày.
4. Bài thuốc chữa đau bụng
- Chuẩn bị: 60g bí kỳ nam.
- Thực hiện: Đem vị thuốc trên đi sắc lấy khoảng nửa chén nước thuốc đặc. Chia đều thành 2 lần uống cách nhau khoảng 1 tiếng đồng hồ.
5. Bài thuốc chữa thấp khớp, bong gân, đau nhức gân xương
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị 40g bí kỳ nam, 30g cốt toái bổ, 20g rễ trinh nữ, 20g rễ trứng cuốc. Các vị thuốc đem sắc với nửa thăng nước để thu lấy 200ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày vào trước bữa ăn. Dùng 1 thang/ngày.
- Bài thuốc 2: Cần có 40g bí kỳ nam, 30g ngũ gia bì, 20g xuyên tiêu, 20g rễ vũ bò. Đem các vị thuốc đi sắc chung với 1 thăng nước trên lửa nhỏ để được 300ml. Chia đều thành 2 lần uống/ngày vào trước bữa ăn, ngày dùng 1 thang.
6. Bài thuốc bồi bổ sức khỏe
- Chuẩn bị: 1kg củ bí kỳ nam khô cùng 3 lít rượu trắng 40°.
- Thực hiện: Củ khô đem đi sao vàng hạ thổ cho có mùi thơm. Sau đó bỏ vào bình sành rồi đổi ngập rượu lên ngâm trong 1 tháng. Mỗi lần lấy 20ml uống trực tiếp vào thời điểm trước bữa ăn, ngày uống khoảng 2 – 3 lần. Bài thuốc này giúp bổ thận, giảm mệt mỏi, chăm sóc giấc ngủ, kích thích ăn uống. Phù hợp nhất với những người trên 45 tuổi.
Những thông tin về dược liệu bí kỳ nam được tổng hợp trong bài thuốc trên chỉ có giá trị tham khảo. Trước khi có ý định sử dụng vị thuốc này cho mục đích chữa bệnh, bạn cần trao đổi kỹ lưỡng với thầy thuốc hay bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!