Quế

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ

Ngoài công dụng là gia vị, quế còn được biết đến như một loại dược liệu tự nhiên có mùi thơm, tính ấm và có tính dược cao. Tìm hiểu thêm về công dụng của quế ngay trong phần thông tin dưới đây.

Quế
Quế có tác dụng gì?
  • Tên gọi khác: Quế đơn, quế bì, nhục quế, quế thanh, mạy quẻ,…
  • Tên khoa học: Cinnamomum
  • Họ: Long lão (Lauraceae)

Mô tả về cây quế

1. Đặc điểm của cây quế

Quế là cây thân gỗ, cao khoảng 10 – 20m, vỏ thân nhẵn. Lá quế mọc so le, có cuống ngắn, dễ gãy, đầu nhọn hoặc hơi tù, có 3 gân hình cung ở mặt dưới, mặt trên lá có màu xanh sẫm, bóng. Hoa quế mọc theo chùm, mọc ở nách hoặc ngọn, cành, hoa màu trắng. Quả có màu nâu tím, hình trứng, nhẵn bóng. Hoa thường nở nhiều từ tháng 6 – tháng 8, quả có từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

2. Đặc điểm dược liệu

Dược liệu có dạng cuộn tròn, hình ống, đường kính khoảng 1,5 – 5cm, dài 25 – 40cm hoặc có dạng mảnh uốn cong, rộng khoảng 3 – 5cm. Mặt ngoài của dược liệu có màu nâu xám, mặt trong có màu nâu đỏ hoặc nâu sẫm, giòn, dễ gãy, có ít sợi. Dược liệu có mùi thơm nồng, vị cay ngọt, sau khi ngâm nước thì phần mặt cắt lộ rõ vòng mô cứng màu trắng ngà.

3. Nơi phân bố

Quế phân bố nhiều ở vùng núi phía Bắc như Cao Bằng, Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên. Hiện nay, quế được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi cao. 

4. Bộ phận được dùng làm dược liệu

Vỏ thân, vỏ cành quế là bộ phận được dùng làm dược liệu. Đây được gọi là nhục quế.

5. Thu hoạch và sơ chế

Người ta thường thu hoạch quế vào mùa hạ hoặc mùa thu. Sau đó đem ủ hoặc để nguyên vỏ ở nơi có bóng râm, thoáng gió cho đến khi khô dần.

6. Bào chế

Quế được sử dụng dưới dạng thô hoặc bào chế để lấy tinh dầu hoặc chiết xuất chất lỏng, bột quế, rượu quế, trà quế,…

7. Bảo quản

Vỏ quế khô được bảo quản ở nơi khô thoáng, tránh nơi có độ ẩm cao.

8. Thành phần hóa học

Các nhà nghiên cứu hiện đại đã phân tích và tìm ra một số thành phần hóa học cụ thể của vỏ quế như là:

  • 5% tanin
  • 1,2-1,5% tinh dầu với khoảng 85% aldehyd cinnamic.
  • acid cinnamic
  • acetat cinnamyl
  • cinnzeylanol
  • cinnzeylanin
  • o-methoxycinnamaldehyd

Vị thuốc của quế

1. Tính vị

Quế có vị cay, ngọt, mùi thơm nồng.

2. Quy kinh

Quy vào kinh Thận, Tỳ, Tâm, Can.

Quế
Quế mang lại nhiều công dụng đối với sức khỏe

3. Tác dụng dược lý

Nhục quế có một số tác dụng dược lý như:

  • Thực nghiệm trên cơ thể động vật cho thấy, thành phần cinnamaldehyde trong nhục quế có tác dụng an thần, ức chế trung khu thần kinh, giải nhiệt và giảm đau. Ngoài ra, một số thí nghiệm còn cho thấy cinnamaldehyde còn có khả năng làm giảm co giật và tử vong ở động vật khi sử dụng strychnine quá liều.
  • Tinh dầu quế còn có tác dụng trừ phong, kích thích nhẹ dạ dày, ruột, kích thích tăng tiết nước bọt, tăng cường chức năng tiêu hóa, làm giảm co thắt cơ trơn. Thành phần Cinnamaldehyt trong quế còn có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào viêm loét trên dạ dày chuột.
  • Nhục quế có tác dụng lưu thông lượng máu đến động mạch vành tim của chuột, nhờ vậy mà nó có khả năng cải thiện chứng thiếu máu cơ tim cấp do pituitrin.
  • Ngoài ra, nhục quế còn có khả năng kháng khuẩn mạnh đối với một số loại vi khuẩn như Gr (-), (+) hoặc một số loại nấm gây bệnh.

4. Cách dùng và liều lượng

Tùy vào tình trạng của mỗi người mà liều dùng thảo dược này sẽ hoàn toàn khác nhau. Dựa vào độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe và một vài yếu tố của người dùng. Quế có thể không an toàn đối với một số người, vì vậy hãy thảo luận với bác sĩ để tìm kiếm liều dùng phù hợp.

Một vài nghiên cứu đã chỉ ra, người trưởng thành có thể dùng khoảng 1 – 1,5g bột quế/ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp thảo dược này với một số nguyên liệu khác như mật ong để tận dụng tối đa các dưỡng chất và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

5. Độc tính

Việc lạm dụng loại thảo dược này có thể khiến bạn gặp phải một vài tác dụng phụ như là: 

  • Tim đập nhanh
  • Đỏ mặt
  • Viêm da dị ứng
  • Khó thở
  • Mẫn cảm
  • Viêm nướu, lưỡi hoặc miệng
  • Chán ăn, gây kích thích tăng động

Không phải bất kỳ ai cũng gặp phải tất cả các tác dụng phụ kể trên. Cũng có thể những tác dụng phụ này không được đề cập ở đây. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này thì cần phải tham khảo ý kiến chuyên gia ngay.

Bài thuốc sử dụng quế

1. Bài thuốc chữa đau bụng, kích thích hệ tiêu hóa

Thực hiện: Dùng 4g vỏ quế đem đi tán mịn và ngâm với rượu. Dùng rượu quế uống khi có triệu chứng đau bụng, ăn uống không tiêu.

Tác dụng: Quế và rượu giúp kích thích hệ tiêu hóa, làm ấm bụng.

2. Chữa tiêu chảy

– Nguyên liệu cần: 

  • 6g vỏ quế
  • 4g hạt cau già
  • 2 lát gừng nướng
  • 19g gạo nếp rang vàng

– Thực hiện:

Cho các nguyên liệu trên vào ấm sắc với nước. Dùng nước để uống đều đặn 2 lần/ngày cho đến khi chứng tiêu chảy bị đẩy lùi.

3. Trị âm thư và chứng hạc tất phong

– Nguyên liệu cần: 

  • 40g thục địa
  • 4g nhục quế
  • 2g ma hoàng
  • 8g bạch giới tử
  • 12g lộc giác giao
  • 4g sinh cam thảo
  • 2g gừng nướng đen

– Thực hiện: Đem tất cả nguyên liệu cho vào ấm, sắc lấy nước để uống.

4. Trị chứng bầm tím, tụ máu bầm do bị thương

– Nguyên liệu cần: 

  • 80g nhục quế
  • 80g đương quy
  • 100g bồ hoàng

– Thực hiện: 

  • Các nguyên liệu mang đi tán nhỏ, bảo quản trong hũ thủy tinh đậy kín nắp.
  • Mỗi lần dùng khoảng 1 thìa nhỏ hỗn hợp trên hòa với rượu để uống.

5. Trị chứng viêm họng

– Nguyên liệu cần: 

  • 2g nhục quế
  • 2g cam thảo
  • 2g gừng khô

– Thực hiện: 

  • Các nguyên liệu đem đi tán mịn, sau đó đem hòa với nước để ngậm.
  • Ngậm khoảng 15 phút thì có thể nuốt từ từ.
  • Ngày thực hiện 2 – 3 lần để ngăn ngừa đau họng tái phát và có hơi thở thơm tho hơn.

6. Cải thiện triệu chứng ngứa da

– Nguyên liệu cần: 

  • 2g nhục quế
  • 2g riềng
  • 2g tế tân
  • 10 con ban miêu (sâu đậu)
  • 150ml rượu trắng

– Thực hiện: 

  • Mang các nguyên liệu đem đi nghiền nát, sau đó ngâm với rượu trắng trong vòng 7 ngày.
  • Mỗi ngày khuấy đều 1 lần và lọc lấy nước.
  • Rửa sạch vùng da bị nổi mẩn ngứa, rồi dùng hỗn hợp rượu để thoa lên da, ngày thực hiện 1 lần.
  • Kiêng uống rượu và sử dụng các món ăn có tính kích thích trong thời gian điều trị bệnh.

7. Chữa chứng chân tay lạnh, viêm thận, phù thũng

– Nguyên liệu cần: 

  • 15g can địa hoàng
  • 12g sơn dược
  • 6g sơn thù
  • 12g phục linh
  • 12g đơn bì
  • 12g trạch tả
  • 4g nhục quế
  • 10g phụ tử
  • 12g xuyên ngưu tất
  • 15g xa tiền tử

– Thực hiện: Các nguyên liệu trên được mang đi luyện mật làm hoàn. Mỗi lần dùng khoảng 15g, ngày uống 2 – 3 lần là đủ.

8. Trị chứng đau bụng kinh, đau bụng do hư hàn

  • Cách 1: Tán mịn nhục quế, mỗi lần dùng khoảng 3 – 4g bột hòa với nước ấm hoặc rượu để uống.
  • Cách 2: Dùng 12g đương quy, 16g thục địa, 5g can khương, 4g cam thảo, 5g nhục quế để sắc lấy nước uống mỗi ngày. Bài thuốc này cũng giúp điều hòa kinh nguyệt và trị chứng đau bụng kinh.
Quế
Ngoài ra, quế còn được kết hợp với mật ong để làm tăng dược tính

Kiêng kỵ khi sử dụng quế

1. Đối tượng không nên sử dụng quế?

Mặc dù quế có tác dụng tốt đối với sức khỏe, tuy nhiên nó không được khuyến khích sử dụng đối với các trường hợp sau:

  • Trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Không nên sử dụng bột quế với liều lượng vượt mức quy định.
  • Tuyệt đối, không sử dụng bột quế để hít vì nó có thể khiến cho hệ hô hấp bị viêm, bỏng hoặc ngạt thở.
  • Sử dụng bột quế quá liều có thể dẫn đến hiện tượng loét miệng, ngộ độc gan, giảm lượng đường trong máu hoặc gây ra một số vấn đề nghiêm trọng về đường thở.

2. Tương tác thuốc

Quế có khả năng gây ra một số tương tác với tình trạng sức khỏe hoặc nhóm thuốc bạn đang sử dụng trong thời điểm hiện tại. Để an toàn hơn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng quế. Loại dược liệu này có khả năng tương tác với một số loại thuốc như là:

  • Thuốc điều trị bệnh đái tháo đường
  • Thuốc làm loãng máu
  • Thuốc chữa bệnh tim
  • Kháng sinh

3. Một vài lưu ý khi sử dụng quế

Để sử dụng quế an toàn, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

  • Không sử dụng quế khi đang sử dụng statin, paracetamol, acetaminophen.
  • Tuân thủ nghiêm liều lượng và cách sử dụng quế theo chỉ định của bác sĩ.
  • Không được tự ý kết hợp quế với các thảo dược khác khi không có chỉ định.
  • Kiêng sử dụng thực phẩm cay, nóng trong giai đoạn điều trị bằng quế.

Để an toàn hơn khi sử dụng quế, bạn nên tham khảo và nhờ đến sự tư vấn của chuyên gia. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo thông tin.

Bạn muốn tìm hiểu thêm: Đông trùng hạ thảo: Công dụng và cách dùng vị thuốc quý

Chia sẻ:

Cây tầm bóp

Cây tầm bóp có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, chỉ khái. Trong y học cổ truyền thì dược liệu này được sử dụng rất…

Cà gai leo

Cà gai leo là một trong những thảo dược quen thuộc có tác dụng trong điều trị các bệnh về gan, chữa phong thấp, chảy máu chân răng, say rượu,…

Hà thủ ô

Ngoài công dụng chữa tóc bạc, hà thủ ô còn được biết đến như vị thuốc giúp điều kinh bổ huyết, bổ can thận, nhuận trạng và bổ huyết giữ…
hình ảnh cây tục đoạn

Tục đoạn

Tục đoạn mặc dù là một loại cây mọc hoang nhưng nhờ có thành phần hoạt chất đa dạng nên được sử dụng làm vị thuốc. Vị thuốc này xuất…

Bình luận (1)

  1. Lê Ngọc dung
    Lê Ngọc dung says: Trả lời

    Xin bác sĩ cho hỏi có nên sử dụng quế với đậu đen và cỏ mực không? Xin cảm ơn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Phạm Thị Minh Dương

Bác sĩ

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua