Nga Truật
Nga truật là thân rễ của cây Ngải tím hay còn gọi là Nghệ đen. Dược liệu này có tác dụng hành huyết, phá huyết mạnh nên được dùng trong các trường hợp ứ huyết và khí trệ lâu ngày. Tuy nhiên nên tránh dùng nga truật cho phụ nữ mang thai, người bị rong kinh,…
- Tên gọi khác: Nga mậu, Thanh khương, Bồng nga truật, Thuật dược, Tam nại, Bồng truật, Ngải tím, Nghệ đen,…
- Tên khoa học: Rhizoma Zedoaria
- Họ: Gừng (danh pháp khoa học: Zingiberaceae)
- Nga truật thực chất là thân rễ phơi/ sấy khô của cây Ngải tím (Curcuma Zedoaria Rosc)
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Ngải tím là cây thân thảo, có chiều cao khoảng 80 – 150cm. Thân rễ, dạng hình nón, củ tỏa ra theo hình chân vịt, có khía dọc, vỏ bên ngoài có màu vàng nhạt sau khi già chuyển sang vòng màu đen, ruột đặc và có màu tím xanh.
Ngoài củ chính, thân rễ còn có nhiều củ phụ xung quanh, màu trắng, hình quả lê hoặc trái xoan. Lá mọc ở gốc, hình bẹ dài, phiến lá có hình mũi mác, không có cuống hoặc có cuống ngắn, gân chính có các đốm đỏ dọc, lá dài khoảng 60cm.
Hoa mọc thành chùm, hình trụ, dài khoảng 20cm, đường kính 5cm. Hoa có màu lục nhạt, ở chóp có điểm hồng và viền đỏ ở mép. Quả có hình trứng, 3 cạnh, hạt bên trong có màu trắng, thuôn dài và nhẵn.
2. Bộ phận dùng
Thân rễ (nga truật) và củ rễ (nga linh/ uất kim).
3. Phân bố
Cây mọc hoang và được trồng nhiều ở nước ta. Tuy nhiên cần phân biệt cây ngải tía với Nghệ trắng (Curcuma Aromatica salisb).
4. Thu hái – sơ chế
Thu hái thân rễ vào tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Sau khi về, cắt bỏ rễ con và đem rửa sạch.
– Cách bào chế dược liệu nga truật:
- Mài nga truật với giấm bằng đáy nhám của chậu sành cho hết, sau đó hơ lên than lửa cho khô rồi cạo lấy bột dùng dần.
- Đồ chín dược liệu, sau đó xắt mỏng rồi phơi. Hoặc xắt mỏng và đem ngâm giấm (cứ 160ml giấm ngâm với 600g với nga truật và thêm 160ml nước), sau đó đem đun cho cạn và bào mỏng, phơi khô.
- Lùi thân rễ vào tro nóng đến khi chín mềm, giã cho nát và tẩm giấm, sao.
- Rửa sạch và thái lát phơi khô, khi dùng có thể tẩm giấm hoặc đồng tiện một đêm rồi sao qua.
- Tẩm sao, tán bột và làm hoàn.
- Rửa sạch, đồ cho chín rồi thái lát và tẩm sao.
5. Bảo quản
Bảo quản ở nơi kín và khô ráo. Thỉnh thoảng nên đem phơi sấy để tránh ẩm mốc.
6. Thành phần hóa học
Nga truật chứa một số thành phần hóa học như Isocurcurmenole, Curcurmenole, Curzerenone, Germacrone, Pinene, Borneol, Isoborneol, Curdione, Turmerone, Difurocumenone, 3.5% chất nhầy và nhựa, 1 – 1.5% tinh dầu,…
Vị thuốc nga truật
1. Tính vị
Vị đắng, cay, tính ôn không độc. Một số tài liệu ghi nga truật có tính ấm.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Can, Tỳ và Phế.
3. Tác dụng dược lý
– Công dụng của nga truật theo Đông Y:
- Công dụng: Phá khí bĩ, năng trục thủy, hành khí, chỉ thống và trị các loại khí tích tụ.
- Chủ trị: Trị các bệnh về tim, tỳ, sưng đau vùng bụng trên, ứ kinh, ứ huyết, trưng hà,…
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Dầu từ dược liệu có tác dụng ức chế tế bào ung thư gan.
- Nước sắc từ nga truật có tác dụng kháng khuẩn, chống có thai sớm, kiện Vị và tăng sự hấp thu máu ở thỏ thực nghiệm.
4. Cách dùng – liều lượng
Dược liệu được dùng bằng cách sắc uống, tán bột hoặc làm hoàn. Liều dùng tham khảo: 3 – 9g.
Bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc nga truật
1. Bài thuốc chữa chứng đau do lãnh khí xung tâm
- Chuẩn bị: Mộc hương (lùi) 30g và bồng nga truật (tẩm rượu) 60g.
- Thực hiện: Đem các vị tán bột, mỗi lần dùng 1.5g uống với giấm.
2. Bài thuốc trị khí huyết và lưng đau ở phụ nữ
- Chuẩn bị: Can tất và nga truật các vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 6g uống với rượu.
3. Bài thuốc trị trẻ nhỏ bị ọc sữa
- Chuẩn bị: 1 ít muối và 1 ít nga truật.
- Thực hiện: Đem sắc với 1 nước, sau đó vớt bỏ bã và thêm một ít ngưu hoàng vào uống.
4. Bài thuốc trị huyết tích và bế kinh
- Chuẩn bị: Nghệ trắng, nghệ vàng và nga truật mỗi thứ bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống.
5. Bài thuốc trị chứng đau bụng trệ nặng xuống do bế kinh
- Chuẩn bị: Xuyên khung 1.15g, bạch thược, bạch chỉ và thục địa mỗi thứ 9g, nga truật 6g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 9g uống với nước muối. Ngày dùng 3 lần cho đến khi khỏi.
6. Bài thuốc trị gãy xương
- Chuẩn bị: Điền thất 6g (nghiền riêng và uống với thuốc), đài mã dược, nga truật và đào nhân mỗi thứ 6g, cốt toái bổ, oai linh tiên, hồng hoa, thổ miết, tam lăng, xích thược, tục đoạn và trạch lan mỗi thứ 3g, quy vĩ 12g, sinh địa 9g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc với nửa cân rượu, ngày dùng 1 thang.
7. Bài thuốc trị bụng đau và tắt kinh
- Chuẩn bị: Bạch chỉ và bạch thược mỗi thứ 10g, xuyên khung 5g, thục địa 10g và nga truật 8g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 10g uống cùng với nước muối nhạt. Ngày dùng 3 lần.
8. Bài thuốc trị chứng tiểu trường co thắt
- Chuẩn bị: Hành 3g và nga truật tán bột.
- Thực hiện: Khi đói dùng bột nga truật uống với hành và rượu.
9. Bài thuốc trẻ nhỏ đau bụng co quắp
- Chuẩn bị: A ngụy 3g và nga truật 15g.
- Thực hiện: Đem các dược liệu giã nát, sau đó đắp xung quanh bụng và sấy khô. Kết hợp bài thuốc đắp ngoài với bài thuốc uống từ nước sắc tử tô.
10. Bài thuốc trị trẻ nhỏ bị khí thống
- Chuẩn bị: Nga truật một lượng vừa đủ.
- Thực hiện: Đem đồ chín, sau đó tán bột và mỗi lần dùng 3g uống với rượu.
11. Bài thuốc trị thức ăn tích tụ và đình trệ
- Chuẩn bị: Kim tam lăng, thanh bì, mộc hương, quất bì, bồng nga truật, nhân sâm, súc sa mật, nhục đậu khấu và mạch bá bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các dược liệu sắc uống, ngày dùng một thang.
12. Bài thuốc trị đau sườn dưới
- Chuẩn bị: Nga truật, tam lăng, một dược và nhũ hương mỗi thứ 1.15g, kim linh tử 15g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống.
13. Bài thuốc trị ngực bụng đầy trướng, ăn uống tích trệ gây nôn mửa ra nước chua
- Chuẩn bị: Tam lăng và bồng nga truật mỗi thứ 1.15g, hồ hoàng liên, hồ tiêu, sa nhân và lô hội mỗi thứ 3g, thanh bì, chỉ xác, hương phụ mỗi thứ 6g, trần bì 9g, la bặc tử 1.15g.
- Thực hiện: Đem các vị tán bột, trộn hồ làm thành viên. Mỗi lần dùng 1 – 9g uống với rượu nóng, ngày dùng 2 lần. Khi dùng bài thuốc này nên kiêng ăn đồ sống và đồ lạnh.
14. Rượu nga truật giúp giảm cơn hen suyễn cấp
- Chuẩn bị: Rượu 100ml và nga truật 15g.
- Thực hiện: Đun sôi rồi lấy nước uống.
15. Bài thuốc trị chứng nôn trớ ở trẻ sơ sinh
- Chuẩn bị: Sữa tươi 50ml và nga truật 4g.
- Thực hiện: Nga truật tán mịn, sau đó hòa với sữa và thêm 1 ít muối. Đun sôi và cho trẻ uống.
16. Bài thuốc trị ăn không tiêu khiến bụng đầy trướng
- Chuẩn bị: Tim lợn 1 cái và nga truật 25g.
- Thực hiện: Rửa sạch tim lợn, sau đó cắt lát và nấu chín với nga truật. Khi nấu nên thêm gia vị và dùng ăn liên tục trong 5 – 7 ngày.
17. Bài thuốc chữa chứng đau bụng, bế kinh, kinh nguyệt không thông và huyết ứ
- Chuẩn bị: Ích mẫu và nghệ đen mỗi thứ 15g.
- Thực hiện: Sắc uống trước kỳ kinh 5 – 7 ngày.
18. Bài thuốc chữa viêm dạ dày
- Chuẩn bị: Một ít mật ong nguyên chất, trúc diệp và sài hồ mỗi thứ 200g, ô tặc cốt 300g, nga truật 1kg.
- Thực hiện: Sài hồ sao vàng và đem nghiền thành bột chung với các vị thuốc còn lại. Sau đó trộn đều với mật làm thành viên, mỗi lần dùng 20g, ngày dùng 2 lần trước khi ăn 30 phút.
19. Bài thuốc trị táo bón và đại tiện ra máu do đại tràng co thắt
- Chuẩn bị: Mè đen 200g, đại hoàng 40g, cồ nốc mảnh 500g và bột nga truật 1kg.
- Thực hiện: Đem các vị tán bột, trộn đều với mật ong, mỗi ngày dùng 20g.
20. Bài thuốc trị chứng thiếu máu, suy nhược, người xanh xao và ăn uống kém
- Chuẩn bị: Cam thảo, hồi hương, nga truật, bạch chỉ, thục địa, xuyên khung, đương quy và bạch thược mỗi thứ 40g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 8 – 12g uống với nước.
21.Bài thuốc chữa đau bụng kinh và sắc kinh xấu
- Chuẩn bị: Ích mẫu 16g, nga truật 20g và ngải cứu 8g.
- Thực hiện: Đem sắc với 500ml nước, còn lại 200ml. Dùng nước chia thành 2 lần uống trước khi ăn và dùng trước kỳ kinh 5 – 7 ngày.
Kiêng kỵ khi dùng bài thuốc từ dược liệu nga truật
Nga truật là dược liệu có đặc tính hoạt huyết và phá huyết mạnh. Vì vậy khi dùng dược liệu này để chữa bệnh, bạn nên lưu ý những điều sau đây:
- Không dùng cho người hư yếu mà có tích và phụ nữ mang thai, nếu dùng bắt buộc phải kết hợp Bạch truật và Nhân sâm.
- Tác dụng hoạt huyết và phá huyết của nga truật mạnh hơn tam lăng nên chủ yếu được dùng trong trường hợp huyết ứ và khí trệ lâu ngày. Bên cạnh đó, có thể dùng chung với Tam lăng để tăng tác dụng.
- Nga truật có tác dụng hành huyết nên có thể làm chậm quá trình đông máu. Vì vậy bạn nên thông báo với bác sĩ nếu đang sử dụng các loại thuốc chống đông máu hoặc chuẩn bị can thiệp các thủ thuật ngoại khoa.
- Người bị rong kinh không nên dùng dược liệu nga truật.
- Dùng quá liều có thể gây thiếu sắt, rối loạn chuyển hóa, buồn nôn và tiêu chảy.
- Nếu dùng dược liệu để giảm đau, nên chế với giấm nhằm gia tăng tác dụng điều trị.
Dược liệu nga truật thường được sử dụng để trị chứng ăn uống không tiêu gây đầy trướng bụng, nôn ói, huyết ứ gây bế kinh, tắc kinh và đau bụng dữ dội. Tuy nhiên cần tránh sử dụng dược liệu với các loại thuốc chống đông vì có thể gây chảy máu kéo dài. Để kiểm soát các rủi ro và tác dụng phụ, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi chữa bệnh bằng vị thuốc nga truật.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!